Vì sao quan hệ tình dục đồng giới ở nam dễ bị nhiễm HIV?
– Tư thế quan hệ tình dục: PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc – nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai Nam cho biết, đa số đồng tính nam quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Lớp niêm mạc ở hậu môn thường mỏng, không tiết ra dịch để bôi trơn. Do đó rất dễ bị tổn thương trong quá trình quan hệ tình dục. Điều này đã tạo điều kiện cho virus HIV lây nhiễm dễ dàng.
Nếu đồng tính nam quan hệ tình dục qua đường miệng cũng dễ lây nhiễm HIV nếu đối phương có vết thương hở trong miệng.
– Không sử dụng biện pháp bảo vệ: Nam giới khi quan hệ với bạn tình nói chung và bạn tình đồng giới thường không thích sử dụng bao cao su. Điều này đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh về đường tình dục có tỷ lệ cao hơn, trong đó có HIV.
Hơn nữa, quan hệ đồng giới nam do không bị tâm lý sợ mang thai, nên việc sử dụng bao cao su là một trong những biện pháp ngừa thai không được chú trọng như quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Ngoài ra, ở một số nhóm người này có thể có những lúc quan hệ tình dục tập thể, có nhiều bạn tình. Đồng thời có xu hướng sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu bia… để tăng khoái cảm và tìm cảm giác khác biệt… dẫn đến mất kiểm soát hành vi an toàn, nên khả năng sử dụng bao cao su là rất thấp.
Ngoài ra, có thể xảy ra hành vi quan hệ mạnh bạo dẫn đến tổn thương cao hơn. Nhiều trường hợp còn không biết rõ về bạn tình của mình, nhất là tình trạng sức khỏe. Có người mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như tiêm chích ma túy, có nhiều bạn tình là cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình và có thể mắc kèm các bệnh lây qua đường tình dục khác…
Từ đó khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV và đồng nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục càng tăng.
– Sự kỳ thị của cộng đồng: Trên thực tế, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng HIV gia tăng trong nhóm MSM (người có quan hệ tình dục đồng giới nam) là do vấn đề kỳ thị trong xã hội. Vấn đề kỳ thị này đã khiến những người trong nhóm nguy cơ cao không dám công khai giới tính, không dám công khai tình trạng nhiễm bệnh. Từ đó không được tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Nam giới đồng tính thường có xu hướng ngại đi khám bệnh do lo sợ bị lộ. Điều này vô hình khiến nhiều người không phát hiện ra bản thân nhiễm HIV. Từ đó khiến bệnh tiến triển xấu đi và nguy cơ nhiễm HIV trong cộng đồng cao hơn. Đặc biệt đối với các đối tượng thường xuyên quan hệ tình dục và không sử dụng các biện pháp bảo vệ.
– Do thiếu hiểu biết: Một vấn đề khác cũng rất quan trọng đó là sự hiểu biết toàn diện về sự phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong xã hội vẫn còn hạn chế. Nhiều người đồng tính cho rằng nguy cơ nhiễm HIV chỉ xảy ra đối với quan hệ tình dục nam và nữ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì quan hệ tình dục ở người đồng tính nam có thể lây nhiễm HIV với tỷ lệ cao hơn.
Trong một báo cáo Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam từ năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nam và nữ 15-24 tuổi đều dưới 50%.
Làm sao để quan hệ tình dục đồng tính nam an toàn?
Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, mặc dù quan hệ tình dục ở người đồng tính nam có nguy cơ nhiễm HIV cao, nhưng nếu biết cách bảo vệ bản thân và duy trì quan hệ tình dục an toàn thì sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này.
Cá nhân người đồng tính nam cần thực hiện các biện pháp:
– Sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục. Vệ sinh sạch sẽ miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục sau khi quan hệ tình dục.
– Tìm hiểu rõ về tình trạng sức khỏe đối phương trước khi quan hệ tình dục.
– Không nên có nhiều bạn tình. Bảo vệ bản thân và duy trì mối quan hệ tình dục an toàn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV.
– Đi khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo bản thân và bạn tình không mang mầm bệnh trong người. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường từ cơ thể hoặc nghi ngờ bản thân nhiễm HIV nên đến bệnh viện kiểm tra. Tại các cơ sở y tế, thông tin về người bệnh đều được bảo mật.
– Hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc gây nghiện để tránh trường hợp không kiểm soát được bản thân dẫn đến quan hệ không an toàn.
– Có thể điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV với PrEP. PrEP có thể bảo vệ nam quan hệ tình dục đồng giới khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 98% và được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo sử dụng.
Về phía cơ quan quản lý, để ứng phó với vấn đề này, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp chuyên môn phù hợp và hiệu quả với nhóm mới nổi. Theo đó:
– Tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV: Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV. Khi phát hiện được người nhiễm HIV thì kết nối ngay với cơ sở điều trị.
– Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ. Tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
– Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân. Đồng thời duy trì các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm truyền thống như cung cấp các vật dụng can thiệp như bơm kim tiêm riêng, bao cao su, điều trị thay thế nghiện thuốc phiện bằng methadone.
Mời độc giả xem thêm video:
Lợi ích của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)