1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh Beriberi
Bệnh Beriberi (hay còn gọi là bệnh tê phù) là một bệnh do thiếu hụt vitamin B1 (thiamin). Vitamin B1 là một loại vitamin có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, chế biến không hợp lý, thường xuyên ăn các loại thức ăn không có hoặc có chứa hàm lượng vitamin B1 thấp có thể dẫn tới thiếu vitamin B1.
Các nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt vitamin B1 bao gồm: Ăn gạo xay xát quá kỹ làm mất đi phần lớn lớp cám giàu vitamin B1; Tiêu thụ chủ yếu các loại thực phẩm tinh chế chứa rất ít vitamin B1.
Các trường hợp hấp thụ kém vitamin B1 như: nghiện rượu, người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài, hội chứng ruột kích thích dễ làm giảm hấp thụ vitamin B1. Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và cho con bú hay một số người mắc bệnh cường giáp, bệnh tim mạch… có thể làm tăng nhu cầu vitamin B1.
Khi cơ thể thiếu vitamin B1 sẽ gây rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng nặng, làm tổn thương thần kinh trung ương và ngoại vi, hệ tim mạch.
Người mắc bệnh Beriberi thường có biểu hiện: mệt mỏi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ăn uống khó tiêu, rối loạn cảm giác như tê bì, kiến bò đầu chi, chuột rút, nặng đầu chi nhất là hai chi dưới… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không được điều trị bổ sung vitamin B1 kịp thời.
Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh Beriberi. Bởi vì bệnh Beriberi là do thiếu hụt vitamin B1 nên việc cung cấp đầy đủ vitamin này thông qua chế độ ăn là điều cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp tăng cường hiệu quả của việc dùng thuốc, rút ngắn thời gian điều trị. Việc tăng cường thực phẩm giàu vitamin B1 sẽ giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục lượng vitamin đã mất, hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng và các chức năng của cơ thể trở lại bình thường.
2. Những chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể người bệnh Beriberi
Beriberi là bệnh do thiếu hụt vitamin B1, vì vậy người bệnh cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng, ăn đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu vitamin B1 trong chế độ ăn uống. Ngoài ra để cơ thể phục hồi toàn diện, người bệnh cần chú ý đến một số chất dinh dưỡng khác nữa.
Vitamin B1
Tăng cường vitamin B1 là biện pháp đầu tiên để phòng ngừa và điều trị bệnh Beriberi. Vitamin B1 chủ yếu được tìm thấy trong các loại thực phẩm như men bia, các loại đậu, thịt lợn, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt.
Các vitamin nhóm B khác
Bên cạnh vitamin B1 cũng cần cung cấp đủ các vitamin B khác như B2, B6, B12 vì chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng và chức năng thần kinh.
Protein
Protein là chất dinh dưỡng chứa nhiều acid amin cần thiết cho sức khỏe cơ, xương và hệ miễn dịch. Protein giúp xây dựng, sửa chữa các tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh bị tổn thương do thiếu vitamin B1.
Khoáng chất
Các khoáng chất như kali, magie, sắt… giúp duy trì chức năng của tim, cơ bắp, hệ thần kinh.
Chất xơ
Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Việc kết hợp các loại thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống cũng cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường miễn dịch.
Trong chế độ ăn hằng ngày người bệnh nên kết hợp nhiều loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Cần hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, uống đủ nước để hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn.
3. Gợi ý nguồn thực phẩm tốt cho người bệnh Beriberi
Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Khác với ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt (bao gồm các thực phẩm như: cám, gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mạch, sản phẩm được làm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám…) có nhiều lợi ích cho sức khỏe vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin, đặc biệt là vitamin B, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Gạo lứt: Gạo lứt là thực phẩm rất tốt cho người bệnh thiếu vitamin B1 vì nó giữ được tất cả các thành phần ban đầu bao gồm cám, mầm và nội nhũ vẫn còn nguyên vẹn. Gạo lứt rất giàu vitamin, khoáng chất như: mangan, collagen, magie, selen, đồng, phốt pho, một số vitamin B và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ… chứa nhiều protein, vitamin B và các khoáng chất.
Thịt nạc, cá, trứng: Cung cấp protein, vitamin B12 và các khoáng chất như sắt, kẽm.
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Cung cấp protein, canxi, vitamin B2.
Rau lá xanh đậm: Cải xanh, rau bina… chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Trái cây: Chuối, cam, bưởi… cung cấp vitamin C, kali, các chất chống oxy hóa.
Cần lưu ý tránh nấu kỹ thức ăn nhiều lần dễ làm phân hủy vitamin B1. Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Không nên sử dụng nhiều cà phê, chè đặc vì những loại thức uống này có chứa các chất kháng vitamin B1.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B1 nên bảo quản ở môi trường tự nhiên để tránh hao hụt hàm lượng vitamin B1 trong thực phẩm. Nên sử dụng ngay sau khi mua về. Không nên để gạo lâu hoặc để rau củ trong tủ lạnh nhiều ngày sẽ làm mất dần vitamin.
Xem thêm: