Các chuyên gia của Bệnh viện K Hà Nội cho biết, khối u tuyến nước bọt là một nhóm hiếm gặp của các mô học phức tạp, không đồng nhất nằm ở tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi và các tuyến nước bọt nhỏ của đường tiêu hóa trên. Nhóm khối u này có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng đa dạng và có nhiều nguyên nhân, sinh lý bệnh, cách điều trị cũng như tiên lượng.
Bệnh phải được điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng. Sau điều trị, người bị u tuyến nước bọt cần chú ý đến chế độ ăn như thế nào để có lợi cho sức khỏe.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh u tuyến nước bọt
Theo GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư kể từ khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh. Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng gặp ở người bệnh có thể là triệu chứng đầu tiên cho thấy sự hiện diện của bệnh lý ung thư. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống trên người bệnh. Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư.
Vai trò của dinh dưỡng cho người trước, trong và sau điều trị u tuyến nước bọt:
Để quá trình điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh cần được nuôi dưỡng tốt cả trước và sau khi phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật: Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân một cách tối đa, giúp bệnh nhân có đủ sức chịu đựng ca phẫu thuật.
Trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật: Nhằm đảm bảo giảm bớt cặn bã trong ruột, giảm vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là trong phẫu thuật đường tiêu hóa.
Quá trình điều trị: Nếu phải xạ trị và dùng một số loại thuốc trị ung thư có thể ảnh hưởng đến vị giác của người bệnh khiến vị giác thay đổi, thậm chí có vị kim loại, đắng hoặc mặn, điều này gây chán ăn, sợ ăn. Do đó duy trì dinh dưỡng cực kỳ quan trọng với người bệnh u tuyến nước bọt.
Sau phẫu thuật: Giúp bệnh nhân mau phục hồi.
2. Một số dưỡng chất cần thiết với người bệnh u tuyến nước bọt
Chế độ ăn uống sau phẫu thuật cho người bị u tuyến nước bọt rất quan trọng. Việc ăn uống lành mạnh và đầy đủ các dưỡng chất sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi thể trạng. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân u tuyến nước bọt sau phẫu thuật cần phải đảm bảo có đầy đủ các nhóm chất, bao gồm: Chất béo, protein, tinh bột, vitamin, nước và các khoáng chất thiết yếu.
Protein: Đây là điểm quan trọng nhất, vì khi phẫu thuật thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, do vết thương, do viêm hay do bỏng nặng.
Protein là một trong những chất cần thiết mà mỗi người cần bổ sung cho cơ thể, đặc biệt là với những người sau phẫu thuật. Protein giúp thúc đẩy cơ thể làm lành vết thương, đặc biệt protein cũng khá quan trọng trong quá trình phẫu thuật. Bởi vì protein có tác dụng giúp sửa chữa các mô cơ thể bị hư hỏng, đồng thời hình thành kháng thể để chống lại nhiễm trùng.
Chế độ ăn nhiều năng lượng: Nhu cầu năng lượng của bệnh nhân phẫu thuật cần phải tăng thêm từ 10 – 50% và đôi khi phải tăng lên đến 100% so với bình thường.
Glucid: Ngoài cung cấp năng lượng, glucid còn giúp gan tích trữ nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương.
Duy trì chế độ dinh dưỡng cao ít nhất là 1 tháng đối với người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, có khi phải kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn.
Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, bởi nó có chức năng hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải. Việc ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa giúp bệnh nhân giảm nguy cơ táo bón.
Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C
Các nguồn thực phẩm chính cung cấp vitamin C là trái cây và rau quả. Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng thường xuyên ăn các loại trái cây giàu vitamin C sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân lây nhiễm và đẩy lùi các gốc tự do có hại cho cơ thể.
Thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa và chất khoáng
Chất chống oxy hóa là những chất ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình phát triển của các bệnh mạn tính, chẳng hạn như ung thư. Các chất chống oxy mạnh hóa loại bỏ các gốc tự do khỏi các tế bào cơ thể và ngăn ngừa hoặc làm giảm thiệt hại do quá trình oxy hóa gây ra.
Thực phẩm chứa omega-3
Acid béo omega-3 là acid béo không bão hòa mà cơ thể không thể sản xuất một cách hiệu quả nhưng vẫn cần cho một số chức năng. Omega-3 rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe của não và mắt. Chúng cũng hỗ trợ các chức năng khác như hệ thống miễn dịch, tiêu hóa…
Omega 3 mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên không nên bổ sung một cách quá lạm dụng. Để có được sức khỏe tốt nhất, chỉ nên dùng theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.
3. Tham khảo thực phẩm người bệnh nên ăn và nên tránh
Thực phẩm nên ăn:
- Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón như: Khoai lang, chuối, đu đủ, các loại rau, sữa chua lên men.
- Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C: Cam, dâu tây, việt quất, súp lơ, ớt chuông, cà chua.
- Các thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa và chất khoáng như: Rau có màu xanh đậm, hải sản, hạnh nhân các loại đậu, các loại hạt ngũ cốc.
- Thực phẩm chứa protein và omega-3: Cá, trứng, hải sản, sữa.
Những loại thực phẩm nên tránh:
- Tránh xa các chất kích thích có trong rượu, bia, thuốc lá, cà phê, nước chè đặc, nước ngọt…
- Không nên ăn nội tạng động vật, thức ăn nhanh, các sản phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay, nhất là những thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần. Hạn chế sử dụng những thực phẩm có nhiều muối như dưa muối, cà muối… Các loại thực phẩm cứng, cay, nóng cũng cần được hạn chế.
Những người mắc bệnh nên giảm ăn thịt đỏ nhưng nhiều rau, cá, dầu thực vật, đồng thời tích cực luyện tập thể dục thường xuyên hơn để cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thay vì 3 bữa chính ăn no thì người bệnh nên ăn 4 – 5 bữa rải rác trong ngày, đảm bảo không quá no hay quá đói. Tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý và giai đoạn điều trị.
Các chuyên gia của Cancer Research UK (CRUK) – Tổ chức nghiên cứu ung thư độc lập khuyến nghị: Chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn, giải đáp cho người bệnh giải quyết mọi vấn đề về ăn uống, đồng thời lên kế hoạch cho một chế độ ăn kiêng đặc biệt để đảm bảo người bệnh nhận được đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết.
Xem thêm: