1. Ai dễ mắc bệnh Beriberi?
- 1. Ai dễ mắc bệnh Beriberi?
- 2. Vì sao người nghiện rượu dễ mắc bệnh Beriberi?
- 3. Có phải thường xuyên ăn gạo xát kỹ sẽ bị thiếu vitamin B1?
- 4. Phụ nữ mang thai bị thiếu vitamin B1 có ảnh hưởng đến thai nhi không?
- 5. Dấu hiệu mắc bệnh Beriberi cần đi khám
- 6. Có thể chữa khỏi bệnh Beriberi không?
- 7. Thực phẩm nào giàu vitamin B1 tốt cho người bệnh Beriberi?
- 8. Đông y có chữa được bệnh Beriberi không?
- 9. Chi phí khám và điều trị bệnh Beriberi
Bệnh Beriberi (hay còn gọi là bệnh tê phù) là một căn bệnh do thiếu hụt vitamin B1 (thiamin), một vitamin thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng và duy trì chức năng hệ thần kinh, tim mạch. Do đó khi cơ thể thiếu loại vitamin này sẽ gây ra các tổn thương thần kinh, tim mạch.
Những người có nguy cơ thiếu vitamin B1 dẫn đến mắc bệnh Beriberi gồm:
- Người có chế độ dinh dưỡng kém
- Nghiện rượu
- Mắc các bệnh về đường tiêu hóa
- Người ăn nhiều carbohydrate tinh chế
- Tập thể dục với cường độ cực cao
- Người mắc bệnh cường giáp
- Những người đã phẫu thuật để giảm cân
- Bất kỳ ai có mức độ căng thẳng cao
- Trẻ bú mẹ có mẹ bị thiếu vitamin B…
2. Vì sao người nghiện rượu dễ mắc bệnh Beriberi?
Người nghiện rượu rất dễ mắc bệnh Beriberi do những nguyên nhân như: Rượu làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B1 của cơ thể vì rượu gây tổn thương niêm mạc ruột, nơi vitamin B1 được hấp thu vào máu.
Khi cơ thể phải xử lý lượng rượu lớn, nhu cầu về vitamin B1 tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều rượu lại làm giảm khả năng hấp thu vitamin B1, dẫn đến thiếu hụt.
Rượu làm giảm hoạt động của các enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin B1 trong cơ thể, khiến cho vitamin B1 không thể được sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, người nghiện rượu thường có chế độ ăn uống kém, thiếu các loại thực phẩm giàu vitamin B1. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt vitamin B1.
3. Có phải thường xuyên ăn gạo xát kỹ sẽ bị thiếu vitamin B1?
Nguồn thực phẩm giàu vitamin B1 là ngũ cốc, tập trung chủ yếu ở lớp vỏ ngoài, ngay sát hạt gạo. Gạo khi được xay xát kỹ sẽ mất đi phần lớn lớp cám giàu vitamin B1. Do vậy, đối với những người có thói quen ăn gạo xay xát quá kỹ dễ dẫn đến cơ thể thiếu vitamin B1.
TS. Hoàng Kim Thanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị, để phòng chống thiếu vitamin B1 cần lưu ý khi xay sát chế biến gạo (không xay sát quá kỹ); trong bảo quản cất giữ gạo (tránh cho gạo ẩm, mốc) và bữa ăn cần phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin B1 với một tỷ lệ cân đối thích hợp.
Để khẩu phần ăn có đủ vitamin B1 cần chú ý không nên xay sát gạo quá kỹ vì các vitamin nhóm B nói chung và vitamin B1 nói riêng đều có nhiều ở lớp vỏ ngoài ngay sát hạt gạo. Cứ 100 g gạo tẻ giã có 0,12 mg vitamin B1; 100 g gạo tẻ máy vừa phải có 0,1 mg vitaminB1 và nếu là gạo xay sát kỹ cho thật trắng chỉ còn 0,02 mg vitamin B1. Vì vậy cần chú ý “tiết kiệm” vitamin B1 trong quá trình chế biến.
Để hạn chế hao hụt vitamin B1 khi nấu cơm cần lưu ý không nên vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Khi nấu cơm chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất tới 60% vitamin B1.
4. Phụ nữ mang thai bị thiếu vitamin B1 có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Theo các bác sĩ BV Đại học Y Dược TPHCM, thiếu hụt thiamin sẽ gây ra beriberi (bệnh tê phù). Thiếu hụt nhẹ biểu hiện trên hệ thần kinh (beriberi khô) như viêm dây thần kinh ngoại biên, rối loạn cảm giác các chi, có thể tăng hoặc mất cảm giác. Trương lực cơ giảm dần và có thể gây ra chứng bại chi hoặc liệt một chi nào đó. Thiếu hụt trầm trọng gây rối loạn nhân cách, trầm cảm, thiếu sáng kiến và trí nhớ kém như trong bệnh não Wernicke và nếu điều trị muộn gây loạn tâm thần Korsakoff.
Việc thiếu vitamin B1 ở phụ nữ mang thai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho cho cả mẹ và bé. Thiếu vitamin B1 khiến người mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn; đau đầu, chóng mặt, khó ngủ, giảm trí nhớ; tim đập nhanh, khó thở; sức đề kháng suy giảm…
Đối với thai nhi, thiếu vitamin B1 có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi nên thiếu có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ sau này.
Phụ nữ mang thai và cho con bú cần có chế độ ăn uống đầy đủ với các thực phẩm giàu vitamin B1 và nên kiểm tra tình trạng thiếu vitamin để bổ sung kịp thời.
5. Dấu hiệu mắc bệnh Beriberi cần đi khám
Người mắc bệnh Beriberi thường có biểu hiện: mệt mỏi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ăn uống khó tiêu, rối loạn thần kinh, suy nhược cơ bắp, rối loạn cảm giác như tê bì, kiến bò đầu chi, chuột rút, nặng đầu chi nhất là hai chi dưới…
Bệnh Beriberi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, điều trị đúng cách.
6. Có thể chữa khỏi bệnh Beriberi không?
Bệnh có thể điều trị được và hầu hết triệu chứng do sự thiếu hụt vitamin B1 sẽ giải quyết hoàn toàn.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh Beriberi.
Việc tăng cường thực phẩm giàu vitamin B1 sẽ giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục lượng vitamin đã mất, hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng và các chức năng của cơ thể trở lại bình thường.
Đối với các trường hợp tiến triển, ngoài thay đổi chế độ ăn uống, có thể cần dùng một số loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng truyền vitamin B1 tĩnh mạch cho đến khi các triệu chứng hết. Sau đó chuyển sang đường uống cho đến khi phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để theo dõi khả năng cơ thể hấp thụ vitamin.
7. Thực phẩm nào giàu vitamin B1 tốt cho người bệnh Beriberi?
Duy trì một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng, đa dạng và giàu vitamin B1, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh Beriberi.
Nên lựa chọn loại gạo mới, không xay xát quá kỹ. Tốt nhất nên giữ lại lớp cám bên ngoài hạt gạo. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng…; thức ăn nhanh, đồ uống có gas, bia rượu…
Ngoài ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, người bệnh cần tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin B1, bao gồm các loại thực phẩm như: ngũ cốc nguyên hạt, thịt lợn, đậu, các loại hạt, các loại rau có lá màu xanh đậm…
Cần lưu ý tránh nấu kỹ thức ăn nhiều lần dễ làm phân hủy vitamin B1. Không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Không nên sử dụng nhiều cà phê, chè đặc vì những loại thức uống này có chứa các chất kháng vitamin B1.
8. Đông y có chữa được bệnh Beriberi không?
Hiện tại, các nghiên cứu về Đông y trong điều trị bệnh Beriberi còn hạn chế. Cách tốt nhất người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị hiệu quả. Không tự ý điều trị theo mách bảo hoặc tự ý sử dụng thuốc khi không được bác sĩ khám và chỉ định, vì việc điều trị kịp thời, đúng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
9. Chi phí khám và điều trị bệnh Beriberi
Chi phí khám chữa bệnh bao gồm phí khám, xét nghiệm, thuốc và các chi phí điều trị khác, có thể được bảo hiểm y tế hỗ trợ theo quy định. Bác sĩ sẽ tư vấn về phương án điều trị phù hợp và hướng dẫn các thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế.
Xem thêm: