Các phương pháp điều trị mụn cóc
Mụn cóc nói chung là lành tính (không phải ung thư), nhưng chúng có thể trở nên phiền toái khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc khiến bạn khó thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ hoặc đi giày (khi xuất hiện ở lòng bàn chân).
Mụn cóc rất phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số thế giới. Chúng thậm chí còn phổ biến hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học, ảnh hưởng đến 10% đến 20% nhóm tuổi này. Mụn cóc cũng có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người bị suy giảm miễn dịch và những người thường xuyên xử lý thịt sống (như người bán thịt).
Mụn cóc có các triệu chứng thường gặp như: Vết sừng nhỏ, nổi lên có thể xuất hiện trên da, kích thước trung bình từ 1 – 10 mm, có bề mặt sần sùi hoặc nhẵn nhụi, xuất hiện đơn lẻ hoặc theo cụm.
Bạn có thể tự xác định được mụn cóc, nhưng nếu không chắc chắn về sự phát triển của da mới, nên đi khám.
Mụn cóc thường tự khỏi, nhưng có thể mất đến hai năm. Do mụn cóc có thể lan rộng, gây đau và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nên cần được chăm sóc và điều trị.
Các lựa chọn điều trị mụn cóc bao gồm:
– Sản phẩm không kê đơn (OTC): Thuốc loại bỏ mụn cóc OTC có chứa axit salicylic. Hóa chất này hòa tan mụn cóc từng lớp một. Các sản phẩm này có dạng lỏng, dạng gel và dạng miếng dán. Bạn có thể cần phải bôi thuốc hàng ngày trong nhiều tháng để loại bỏ hoàn toàn mụn cóc. Axit salicylic cho mụn cóc thông thường có tỷ lệ chữa khỏi là 50% đến 70%.
– Thuốc kê đơn: Có thể bôi hỗn hợp chất lỏng có chứa hóa chất cantharidin lên mụn cóc. Người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
– Liệu pháp đông lạnh: Áp dụng nitơ lỏng để đông lạnh mụn cóc, cuối cùng, mụn cóc có thể bong ra. Bạn có thể cần nhiều lần điều trị.
Một số bài thuốc dân gian trị mụn cóc
Dưới đây là một số bài thuốc dân gian do BSCKII. Lương y Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình giới thiệu:
Bài 1: Dùng vỏ quả cam
– Vỏ cam (vỏ gọt từ quả cam): 01 quả.
– Cách làm: Lấy vỏ quả cam đã gọt chà lên mụn cóc mỗi ngày 1 lần. Liệu trình 7-12 lần.
Bài 2: Dùng quả dứa
– Quả dứa đã gọt vỏ: 01 quả
– Cách làm: Thái dứa thành từng lát mỏng, chà từng lát lên mụn cóc đến khi hết quả dứa, ngày 01 lần. Liệu trình dùng 7-10 ngày.
Bài 3: Dùng rêu xanh trên mái ngói
– Lấy miếng ngói có mọc rêu xanh trên mái nhà.
– Cách làm: Lấy miếng ngói có rêu xanh xát trên mụn cóc ngày 02 lần. Liệu trình khoảng 5-7 ngày.
Bài 4: Dùng lá nha đam (lô hội)
– Lá nha dam: 02 lá
– Cách làm: Gọt vỏ lấy phần gen, chà xát vào mụn cóc, ngày 1-2 lần, liệu trình 7-10 ngày. Nêu cơ địa dị ứng với nhựa nha đam thì không nên áp dụng.
Bài 5: Dùng cây bồ công anh
Cây bồ công anh ép lấy nhựa trắng. Sau đó thoa lên mụn cóc 1 – 2 lần trong ngày. Liệu trình 7-10 ngày.
Bài 6: Dùng giấm táo
– Nước Giấm táo đã lên men 30- 60 ml.
– Cách làm: Dùng bông thấm nước táo chà xát lên mụn cóc ngày 2 lần. Liệu trình 7-10 ngày. Không được sử dụng giấm táo cho vết thương hở.
Bài 7: Dùng vỏ quả chuối
– Vỏ chuối tây 01 quả.
– Cách làm: Cắt một miếng vỏ chuối và đắp lên mụn cóc trước khi đi ngủ và lặp lại hàng ngày đến khi mụn cóc không còn.
Bài 8: Dùng củ tỏi
– Tỏi: 2 củ
– Cách làm: Ép lấy nước hoặc chà tỏi lên mụn cóc mỗi ngày, cho đến khi mụn cóc bay hết.
Bài 9: Dùng dầu thầu dầu
– Hạt thầu dầu: 200 g.
– Cách làm: Đun sôi, ép lấy dầu, dùng dầu này bôi chà xát lên mụn cơm. Liệu trình 14 ngày.
Lưu ý: Không bôi lên vết thương hở.