Hậu quả về mặt sức khỏe
Mỗi vận động viên có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào môn thể thao, cường độ tập luyện và cơ địa cá nhân. Điều này lý giải tại sao cần thiết kế chế độ ăn uống riêng biệt cho vận động viên nhằm đáp ứng các yêu cầu năng lượng cao hơn, thời điểm ăn uống chiến lược và sự cân bằng các chất dinh dưỡng.
Về mặt sức khỏe nói chung, việc vận động viên thường xuyên ăn uống thiếu chất, hoặc đói, có thể gây những hệ lụy như:
Suy giảm sức khỏe tổng quát
Thiếu dinh dưỡng làm giảm năng lượng, gây mệt mỏi, thậm chí suy nhược cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tập trung và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Không những thế, chế độ ăn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và kéo dài thời gian hồi phục khi mắc bệnh.
Ảnh hưởng đến xương và cơ bắp
Protein cần thiết cho quá trình phục hồi và xây dựng cơ bắp. Vận động viên nên tiêu thụ 1,2 – 2g protein mỗi kilogram trọng lượng cơ thể mỗi ngày hoặc tùy theo giai đoạn tập luyện để tối ưu hóa quá trình phục hồi. Thiếu protein và năng lượng có thể dẫn đến mất khối cơ, làm giảm sức mạnh và khả năng thực hiện các bài tập.
Bên cạnh đó, thiếu canxi và vitamin D thường dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với các vận động viên, đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao chịu lực.
Rối loạn chuyển hóa
Ở các vận động viên nữ, thiếu dinh dưỡng có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, làm giảm khả năng sinh sản và giảm mật độ xương. Vận động viên có chế độ ăn nghèo nàn cũng có thể gặp rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như táo bón, tiêu chảy, khó tiêu…
Ảnh hưởng đến tâm lý
Khi não không nhận đủ năng lượng và dưỡng chất, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, khả năng tập trung tư duy suy giảm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến cân bằng hóa học trong não, gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu. Điều này xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng carbohydrate cần thiết, thường gặp ở vận động viên có chế độ tập luyện cường độ cao.
Hậu quả đối với kết quả thi đấu
Nói về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và tập luyện, người ta ví tập luyện đúng giống như cái bánh xe trước, lái đi đúng hướng, còn dinh dưỡng đúng như cái bánh xe sau, là động lực đẩy cái xe đi đến đích. Nếu bánh xe sau bị “xịt lốp”- cung cấp không đủ dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, thì tập luyện đúng cũng không thể đi đến đích và giành huy chương.
Giảm hiệu suất
Thiếu năng lượng làm giảm sức mạnh và sức bền, khiến vận động viên khó có thể duy trì hiệu suất cao trong các buổi tập luyện và thi đấu. Hơn thế, khi cơ và xương không được cung cấp đủ dinh dưỡng, nguy cơ chấn thương tăng lên, như căng cơ, rách dây chằng, gãy xương…
Giảm khả năng phục hồi
Trong quá trình tập luyện kéo dài hoặc cường độ cao, cơ thể sẽ đốt cháy carbohydrate lưu trữ trong cơ (glycogen) để làm nhiên liệu. Tuy nhiên, lượng glycogen dự trữ cũng có thể cạn kiệt, dẫn đến đau nhức cơ bắp. Do đó, sau khi tập luyện hoặc thi đấu, cơ thể cần bổ sung năng lượng và dinh dưỡng để tái tạo glycogen và phục hồi cơ bắp.
Thiếu dinh dưỡng sẽ làm chậm quá trình này, khiến cho vận động viên không thể trở lại trạng thái tốt nhất một cách nhanh chóng. Tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện và thi đấu trong các sự kiện kế tiếp.
Giảm khả năng tập trung và chiến lược
Khi đói, khả năng ra quyết định của vận động viên bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến những sai lầm chiến lược trong thi đấu. Thiếu dinh dưỡng cũng làm giảm tốc độ phản ứng và phản xạ, điều này đặc biệt quan trọng trong các môn thể thao đòi hỏi phản ứng nhanh như bóng đá, quần vợt…
Như vậy, thiếu dinh dưỡng hoặc đói không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tổng thể mà còn tác động tiêu cực đến hiệu suất thi đấu của vận động viên. Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp có vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì sức khỏe và hiệu suất tối ưu. Vận động viên nên thảo luận chặt chẽ với các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống riêng biệt cho nhu cầu cá nhân và đặc thù môn thể thao của mình.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sau khi tập luyện thể dục hãy tránh xa các loại nước này – SKĐS