Chú trọng quan tâm đến ngành y tế
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, ngành y tế địa phương đã có nhiều bước phát triển nhất định. Từ đầu năm 2024 đến nay, số người mắc bệnh truyền nhiễm là trên 2.200 trường hợp, giảm gần 400 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 2 trường hợp đã tử vong (1 bệnh dại, 1 sốt xuất huyết).
Khi xảy ra tình huống dịch bệnh, y tế tuyến tỉnh ở Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với y tế tuyến huyện kiểm soát, xử lý. Các vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đảm bảo theo quy định.
Trong công tác tiêm chủng; phòng, chống HIV/AIDS; phòng chống bệnh lao, bệnh phong…ngành y tế địa phương bám sát tình hình, áp dụng phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh ở Đắk Nông phối hợp nhịp nhàng trong chẩn đoán, chăm sóc, điều trị.
Với công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, riêng 6 tháng đầu năm có hơn 400 nghìn lượt, trong đó điều trị nội trú trên 30 nghìn lượt (y tế tuyến tỉnh là chính). Ngành y tế địa phương cũng đã triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ, vấn đề y tế luôn được quan tâm sâu sắc ở Đắk Nông, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư. Địa phương cũng đã và đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho bác sĩ. Cụ thể như, người có trình độ tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II về tỉnh công tác được hỗ trợ 400 triệu đồng/người; thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa I và bác sĩ nội trú 370 triệu đồng/người; bác sĩ tốt nghiệp loại khá được hỗ trợ 300 triệu đồng/người. Bác sĩ về công tác tại các huyện còn nhiều khó khăn như Tuy Đức, Đắk G’Long…được hỗ trợ thêm từ 40-60 triệu đồng/người.
Vẫn thiếu bác sĩ cho cơ sở y tế tuyến huyện
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, dù có bước phát triển nhưng ngành y tế của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn phải đối diện. Điển hình như, nhiều cơ sở y tế thiếu thiết bị kỹ thuật cao, một số cơ sở y tế tuyến huyện còn thiếu bác sĩ có trình độ, chính sách ưu đã có nhưng chưa đủ mạnh để giữ chân bác sĩ khi về công tác tại địa phương. Công suất sử dụng giường bệnh trung bình chỉ đạt gần 50%…
Qua rà soát khó khăn, tỉnh Đắk Nông có một số đề xuất với đoàn công tác của Bộ Y tế như:
Chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ BVĐK tỉnh Đắk Nông thành lập các đơn vị chuyên sâu (Trung tâm đột quỵ, Trung tâm huyết học truyền máu…). Bên cạnh đó, hỗ trợ Đắk Nông về công tác nghiên cứu và phát triển dược liệu từ các cây thuốc có trên địa bàn…
Tỉnh Đắk Nông cũng đề xuất các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên khoa để địa phương nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh…
Bộ Y tế đưa ra nhiều giải pháp giúp Đắk Nông
Sau khi lắng nghe báo cáo, đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông cũng như ý kiến từ các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra một số giải pháp giúp tỉnh Đắk Nông nâng cao chất lượng y tế như:
Tỉnh Đắk Nông cần quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực hoạt động trong ngành y tế địa phương. Đồng thời, Đắk Nông cần có đề án vạch rõ lộ trình đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế chứ không đầu tư dàn trải. Sở Y tế Đắk Nông là đầu mối báo cáo chi tiết về lộ trình này.
Đối với vấn đề phát triển dược liệu, Bộ Y tế sẽ giao Viện Dược liệu kết hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ Đắk Nông khảo sát xây dựng kế hoạch phát triển vùng dược liệu. Đồng thời, hướng dẫn Đắk Nông chuẩn hóa quy trình trồng, thu hái, chế biến, bảo quản dược liệu. Bên cạnh đó, sẵn sàng giới thiệu nhà đầu tư phát triển dược liệu cho Đắk Nông. Sau đó, tổ chức các hội thảo bài bản về vấn đề này để tìm hướng phát triển tốt nhất.
Với đề xuất lập các đơn vị chuyên sâu như xây dựng Trung tâm đột quỵ, Trung tâm huyết học truyền máu, tỉnh Đắk Nông cần có lộ trình, quan trọng nhất là phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đảm bảo.