Tối 26/2, phác đồ “giờ vàng” của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được vinh danh một trong 12 thành tựu y khoa Việt Nam năm 2023 do Sở Y tế TP.HCM phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức.
Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, trẻ sinh non và rất non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng cao. Nếu không hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì khó giữ tính mạng.
Thập niên trước, thở máy xâm lấn là phương pháp điều trị chính cho trẻ sinh non rất nhẹ cân với hội chứng suy hô hấp. Mặc dù là biện pháp cứu mạng, thở máy xâm lấn có nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi, bệnh phổi mạn, và khiến trẻ lệ thuộc oxy kéo dài.
Năm 2018, bác sĩ Phượng sang Australia du học, chứng kiến trẻ sinh non được chăm sóc nhẹ nhàng nhờ can thiệp sớm 60 phút đầu đời. Về nước, bác sĩ cùng đồng nghiệp nghiên cứu, sáng tạo phác đồ “giờ vàng” với mục tiêu giảm nguy cơ đặt nội khí quản, giảm tỷ lệ thở máy xâm lấn, từ đó giúp giảm chi phí điều trị.
Phác đồ “giờ vàng” là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống và chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi. Phác đồ bao gồm các yếu tố, như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, cụ thể là thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non, giúp tăng cơ hội sống, giảm di chứng về sức khỏe.
Nghiên cứu của TS.BS Cam Ngọc Phượng theo dõi 75 trẻ sinh non và cực non có tuổi thai trung bình 27,5-28 tuần chào đời khỏe mạnh tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong năm 2022 được áp dụng phác đồ này. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ phải đặt nội khí quản giảm từ 62,5% xuống còn 26%; tỷ lệ dùng surfactant (thuốc điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng) giảm từ 40% còn 20,9%. Tỷ lệ ấn tim, truyền epinephrine (thuốc hỗ trợ hô hấp) và tràn khí màng phổi rất thấp. Ngoài ra, chi phí điều trị trung bình giảm khoảng 30-40%.
Bác sĩ Phượng cho biết, để thực hiện phác đồ “giờ vàng”, bệnh viện cần xây dựng các đội “giờ vàng” gồm bác sĩ Sản khoa, Sơ sinh, nữ hộ sinh, đội ngũ điều dưỡng sơ sinh lành nghề.
Mặc dù, phác đồ can thiệp 60 phút đầu sau sinh, song thực tế bệnh viện chủ động triển khai trước sinh. Tại bệnh viện Tâm Anh khi tiếp nhận sản phụ dưới 34 tuần có biểu hiện sinh non, bác sĩ khoa Sản báo động bác sĩ Sơ sinh có mặt ngay tại giường sản phụ để xử trí kịp thời. Ngoài việc dùng thuốc hỗ trợ phổi, giúp tăng cơ hội sống cho trẻ sinh non, sản phụ cũng được truyền magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi.
Trẻ chào đời, được hồi sức khi dây rốn vẫn còn đập, để ổn định hô hấp, tuần hoàn, mạch, huyết áp, phòng ngừa biến chứng sinh non. Ngay sau đó, trẻ được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở, giúp cải thiện trao đổi khí trước khi kẹp rốn.
Nguy cơ đặt nội khí quản tại phòng sinh ở trẻ sinh rất non đã giảm trong thập niên vừa qua khi trẻ được thở CPAP sớm, theo bác sĩ Phượng.
Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Chủ tịch Liên chi hội Chu sinh – Sơ sinh TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phác đồ giờ vàng với điểm nhấn sử dụng phương pháp thở CPAP sớm tại phòng sinh là một trong những bước quan trọng ngay sau sinh giúp trẻ sinh non và rất non giảm suy hô hấp, cải thiện được dư hậu sau sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ có nguy cơ, giảm chi phí cho gia đình và xã hội, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng. Đây là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại, có thể triển khai huấn luyện cho tuyến tỉnh, tuyến dưới, nhất là sử dụng thở CPAP sớm trong giờ đầu sau sinh, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, giảm di chứng sinh non.
Hơn ba năm triển khai tại Hệ thống bệnh viện Tâm Anh, phác đồ “giờ vàng” cứu sống và giảm nguy cơ cho trẻ sinh non như suy hô hấp, viêm phổi, loạn sản phế quản phổi; viêm ruột, hoại tử ruột, nhiễm trùng máu, tụt huyết áp; chậm phát triển, hệ miễn dịch kém; kém phát triển về thị giác, thính giác; bại não, xuất huyết não và dễ đối diện với hội chứng đột tử trẻ sơ sinh.
Cụ thể bé Bảo Ngọc chào đời vào tháng 10/2023, ở tuổi thai 28 tuần 5 ngày, nặng 1,2 kg, được áp dụng phác đồ giờ vàng. Sau hai tháng điều trị, bé nặng 2,65 kg, xuất viện vào tuần thứ 37. Hiện bé 4 kg, khỏe mạnh như em bé sinh đủ tháng.
Trước đó, bé Bối Bối sinh vào tháng 4/2021, ở tuần thai 25, nặng 740 g được bác sĩ bệnh viện Tâm Anh cứu sống bằng phác đồ “giờ vàng” và khỏe mạnh xuất viện sau 3 tháng với cân nặng 2,55 kg. Hiện bé gần 3 tuổi, khỏe mạnh, như các bạn sinh đủ tháng.
“Có những bé đón về chúng tôi tiên lượng chỉ còn khoảng 5-10% cơ hội sống. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của hệ thống máy thở mới cùng trang thiết bị hiện đại, ê kíp bác sĩ có kinh nghiệm nuôi sống nhiều trẻ sinh non mắc bệnh nặng. Đến thời điểm này, các con đều được cứu sống, khỏe mạnh”, bác sĩ Phượng tự hào.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ chào đời non tháng và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.
“Hồi sức sơ sinh là ngành phát triển rất nhanh. Do đó, chúng tôi không ngừng cập nhật kiến thức, phác đồ điều trị mới, thực hiện được các kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu ngang tầm các nước trong khu vực, mang đến cơ hội sống khỏe mạnh nhiều hơn cho trẻ sinh rất non ở tuổi thai 23-24 tuần, cân nặng dưới 1 kg”, bác sĩ Phượng nói.
PGS.TS.BS Trần Quang Bính, Giám đốc Chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết, Hệ thống bệnh viện Tâm Anh được đầu tư lớn về trang thiết bị, công nghệ, nhân lực, trong tương lai bệnh viện sẽ tiếp tục đóng góp, phát triển y tế chuyên sâu, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.