1. Vai trò của chất chống oxy hóa đối với bệnh đái tháo đường
Nếu muốn tối ưu hóa chế độ ăn uống để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, người bệnh nên ăn thêm nhiều loại rau giàu chất chống oxy hóa. Vậy chất chống oxy hóa có lợi như thế nào với người bệnh đái tháo đường?
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào. Các gốc tự do là các phân tử oxy có phản ứng cao được tạo ra bởi các quá trình tế bào bình thường và các yếu tố bên ngoài như bức xạ, ô nhiễm không khí, hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất.
Nếu không có chất chống oxy hóa để trung hòa các gốc tự do, các tế bào sẽ bị hư hại, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, đái tháo đường và ung thư.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, dinh dưỡng lành mạnh rất quan trọng đối với sức khỏe và chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống là một chất điều hòa quan trọng của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh đái tháo đường.
Các chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống có tác dụng ngăn ngừa và cải thiện đái tháo đường bằng cách điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose, cải thiện tiết insulin và giảm kháng insulin, cải thiện chức năng mạch máu và điều chỉnh mức HbA1c và các dấu hiệu stress oxy hóa.
Thông thường, chúng ta thường nghe nói về chất chống oxy hóa trong các loại thực phẩm phổ biến như: sô cô la đen, trà, rượu vang đỏ, cà phê và quả mọng. Nhưng trên thực tế, chất chống oxy hóa còn có trong nhiều loại rau như: bông cải xanh, cà rốt, rau chân vịt, hành, hẹ, tỏi, măng tây, atisô…
2. Các loại rau giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bệnh đái tháo đường
Cử nhân điều dưỡng Mai Thị Xuân Mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, người bệnh đái tháo đường nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad. Nên ăn các loại rau xanh như: Cải bó xôi, cải xoăn…
Rau lá xanh đậm
Các loại rau lá màu xanh đậm như: cải xoăn, rau bina, cải xanh… là lựa chọn lý tưởng cho những người bị đái tháo đường. Chúng chứa nhiều vitamin A, C, K, cũng như acid folic và acid alpha-lipoic, một chất chống oxy hóa có thể tăng cường độ nhạy insulin.
Các nghiên cứu gần đây đã liên kết lượng rau lá xanh đậm cao hơn với các dấu hiệu cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Rau lá xanh đậm cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác có lợi cho những người bị đái tháo đường như magie và kali.
Súp lơ
Súp lơ là một loại rau họ cải giàu chất chống oxy hóa có chứa vitamin C, beta carotene, sulforaphane và các hợp chất thực vật khác. Nó ít calo và chứa chất xơ, rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Súp lơ xanh (bông cải xanh) chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C, K, acid folic, chất xơ và kali. Ăn bông cải xanh thường xuyên giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng sulforaphane, hợp chất chứa lưu huỳnh trong bông cải xanh, đóng vai trò tích cực trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và tình trạng kháng insulin. Không chỉ vậy, bông cải xanh còn giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu, một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường.
Cà chua
Cà chua được sử dụng trong rất nhiều món ăn phù hợp với hầu hết mọi người và có nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường. Cà chua là nguồn chất xơ tốt, giàu vitamin A, C và ít sự suy sụp. Chúng cũng rất giàu lycopene, một chất chống oxy hóa mà các nghiên cứu đã chỉ ra có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Cà tím
Anthocyanins không chỉ mang lại màu sắc đặc biệt cho cà tím mà còn có đặc tính chống oxy hóa giúp chống lại tổn thương tế bào trong cơ thể. Cà tím giàu chất chống oxy hóa nhưlutein và zeaxanthin, cung cấp chất xơ, góp phần kiểm soát lượng đường trong máu.
Đậu bắp
Người bệnh đái tháo đường nên ăn đậu bắp. Loại rau này cung cấp nguồn vitamin C và K tuyệt vời. Đây cũng là nguồn folate , magie và chất xơ dồi dào. Ngoài ra, đậu bắp rất giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol.
Củ cải đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn vì lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim và mạch máu. Các loại rau như củ cải đường rất giàu nitrat, một hợp chất có thể làm giảm huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tuần hoàn. Không chỉ vậy, củ cải đường còn là nguồn cung cấp khoáng chất tốt như magie và kali, cũng là yếu tố giúp duy trì mức huyết áp khỏe mạnh hơn.
Lưu ý, cách chế biến củ cải đường có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, do đó người đái tháo đường chỉ nên ăn củ cải đường hấp, luộc với số lượng hạn chế.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không?