Măng tây là một loại rau có họ hoa huệ (Liliaceae). Hầu hết măng tây đều có màu xanh nhưng cũng có loại màu trắng và tím. Cho dù chọn loại nào, măng tây vẫn là một loại rau ngon, đa năng, được nấu theo nhiều cách hoặc ăn sống trong món salad.
1. Giá trị dinh dưỡng của măng tây
Nửa cốc (90g) măng tây nấu chín chứa:
- Lượng calo: 20
- Chất đạm: 2,2 g
- Chất béo: 0,2 g
- Chất xơ: 1,8 g
- Vitamin C: 12% RDI (khẩu phần ăn hằng ngày tham khảo)
- Vitamin A: 18% RDI
- Vitamin K: 57% RDI
- Folate: 34% RDI
- Kali: 6% RDI
- Phốt pho: 5% RDI
- Vitamin E: 7% RDI
Măng tây rất giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì những lý do này, nó có thể được coi là một sự bổ sung lành mạnh cho bất kỳ chế độ ăn kiêng nào.
2. Lợi ích sức khỏe của măng tây
Có thể giúp giảm cân
Măng tây ít chất béo và calo do đó măng tây là một lựa chọn tốt nếu đang cố gắng giảm cân. Cơ thể tiêu hóa chất xơ từ từ, giúp cảm thấy no giữa các bữa ăn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất xơ có thể giúp cảm thấy sảng khoái trong thời gian dài sau khi tiêu thụ và thúc đẩy quá trình giảm cân. Chất xơ cũng làm giảm táo bón, giảm cholesterol.
Kết hợp măng tây với trứng luộc chín giúp tối đa hóa hàm lượng calo thấp của rau. Sự kết hợp giữa măng tây giàu chất xơ với protein từ trứng sẽ khiến người ăn cảm thấy hài lòng.
Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu
Đánh giá năm 2020 cho biết măng tây là thuốc lợi tiểu tự nhiên, loại bỏ chất lỏng, lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể, măng tây được sử dụng trong y học cổ truyền để giúp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu và một số vấn đề tiết niệu khác. Chế độ ăn nhiều măng tây có thể ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng tiểu phát triển.
Chứa đầy chất chống oxy hóa
Măng tây, đặc biệt là măng tây tím có chứa anthocyanin. Những sắc tố này làm cho trái cây, rau củ có màu đỏ, xanh và tím. Anthocyanin cũng có tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do gây tổn hại tế bào.
Măng tây là nguồn cung cấp vitamin E, một chất chống oxy hóa quan trọng. Vitamin E giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do.
Tăng cường sức khỏe sinh sản
Măng tây xanh chứa hàm lượng saponin protodioscin cao. Hóa chất thực vật này khiến măng tây có vị hơi đắng.
Một đánh giá được công bố vào năm 2021 giải thích rằng protodioscin hỗ trợ sức khỏe buồng trứng, tăng cường ham muốn tình dục sau mãn kinh và thậm chí có thể chống lại các tế bào ung thư buồng trứng. Protodioscin cũng giúp tăng sản xuất testosterone, phục hồi chức năng cương dương và tăng cường ham muốn tình dục khi dùng ở dạng thực phẩm bổ sung.
Giàu acid folic
4 ngọn măng tây chứa 22% lượng acid folic được khuyến nghị hàng ngày. Mọi người đều cần acid folic, giúp cơ thể tạo ra các tế bào mới.
Các chuyên gia sản khoa khuyến nghị phụ nữ dự định mang thai hoặc trong ba tháng đầu của thai kỳ nên bổ sung 400mcg acid folic mỗi ngày. Việc bổ sung đủ acid folic khi mang thai có thể ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh lớn ở não hoặc cột sống của thai nhi.
Tác dụng của việc bổ sung acid folic khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào liều lượng, tần suất sử dụng và tương tác với các loại thuốc khác.
Rất tốt cho sức khỏe đường ruột
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 đã ghi nhận inulin, một prebiotic trong măng tây, có lợi cho sức khỏe đường ruột. Inulin thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn đường ruột “tốt” hoặc men vi sinh, giúp giảm đầy hơi và giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng.
Inulin là một chất xơ hòa tan, có nghĩa là nó hút nước vào ruột để làm mềm phân và giúp đại tiện dễ dàng hơn. Ăn nhiều măng tây giúp đi tiêu đều đặn và ngăn ngừa táo bón.
Măng tây nấu chín hữu ích với hệ tiêu hóa vì nó giúp điều hòa hệ thống tiêu hóa, từ đó làm giảm viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi.
Chứa vitamin K
Vitamin K rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và quá trình đông máu, giúp cơ thể dễ cầm máu sau khi bị thương. Một số bằng chứng cho thấy vitamin K còn cần thiết cho sức khỏe của xương, giúp sản xuất một số protein liên quan đến xương và điều chỉnh quá trình tiêu xương. Quá trình này bảo vệ mật độ và khối lượng xương bằng cách phá vỡ các mô gây mất xương.
3. Ai không nên ăn măng tây?
Măng tây có nhiều purin, hợp chất làm tăng sản xuất acid uric của cơ thể, dễ ảnh hưởng đến các tình trạng như sỏi thận và bệnh gout. Do đó, nếu được khuyên nên giảm lượng purin trong chế độ ăn uống thì măng tây có thể là món ăn không phù hợp.
Nếu là người bị dị ứng với các thành viên khác trong cùng họ thực vật, bao gồm tỏi và hẹ thì cũng có thể bị dị ứng với măng tây.
4. Cách sử dụng măng tây tốt cho sức khỏe
Hầu hết mọi người thường ăn măng tây bằng cách nấu chín. Tuy nhiên, nấu măng tây quá chín dễ khiến hao hụt vitamin. Mức độ ảnh hưởng của một số chất dinh dưỡng trong rau khi nấu phụ thuộc vào phương pháp nấu, thời gian tiếp xúc với nhiệt và loại chất dinh dưỡng. Tốt nhất là nên nấu măng tây chỉ trong 4 phút.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bắp cải – Món ăn bài thuốc.