“Lấy đâu ra tiền lo cho anh em hàng tháng…?”
Đó là tâm trạng phấp phỏng, lo nhiều hơn mừng khi PGS.TS Nguyễn Thanh Hà mới nhậm chức Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị hồi năm 2017. Chia sẻ với chúng tôi, vị giám đốc vẫn nhớ như in thời kỳ gian khó chỉ một năm sau khi được bổ nhiệm là người đứng đầu Bệnh viện Hữu Nghị thì bệnh viện được giao tự chủ. Điều này cũng đồng nghĩa việc bệnh viện phải “tự làm, tự lo” tiền lương thưởng chi trả cho toàn bộ cán bộ nhân viên, người lao động.
“Khoảng thời gian 2 năm 2018-2019, thu nhập tăng thêm cho anh em giảm. Nhiều lần tháp tùng các lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhưng trong lòng nơm nớp đến kỳ trả lương thì lấy đâu ra tiền chi cho anh em hàng tháng đây? Không lo được cho anh em hàng tháng thì khó thấy tương lai… Trằn trọc suy nghĩ rất nhiều, trong bối cảnh không thể “đập đi làm lại”, tôi và ban lãnh đạo bệnh viện chỉ còn cách làm công tác tư tưởng, động viên anh em đồng cam cộng khổ để vượt qua giai đoạn thách thức này. Chúng tôi rà soát, cân đối kỹ lưỡng các nguồn thu của bệnh viện, sau thời gian cắt giảm Thu nhập tăng thêm thì đến khoảng cuối năm 2019, bệnh viện chúng tôi phát triển khá hơn” – PGS.TS Nguyễn Thanh Hà trải lòng.
Những tưởng anh em cứ thế yên tâm phục vụ bệnh nhân, xây dựng bệnh viện thì cơn đại dịch COVID-19 ập đến. PGS.TS Nguyễn Thanh Hà nhớ lại: “Năm 2020 tuy Bệnh viện Hữu Nghị không có ca bệnh COVID-19 nào nhưng thú thực tinh thần anh em lúc đó rất căng thẳng, dịch bệnh mới nổi, bệnh nhân ngại không đến bệnh viện khám đông như trước nữa. Sau đó, trước diễn biến phức tạp của dịch, Bệnh viện Hữu Nghị có thêm những ca mắc, tình hình chưa yên ổn thì dịch bùng phát ở nhiều nơi, các cán bộ nhân viên y tế vừa lo chống dịch tại viện vừa được điều động tăng cường cho Bắc Giang, Tiền Giang, TPHCM. Tổng cộng hơn 120 nhân viên y tế của Hữu Nghị luân phiên nhau đi chi viện, mỗi lần tiễn anh em ai nấy đều rơi nước mắt vì thương vì lo, có anh em đi chi viện từng ngất xỉu, kiệt sức trước số ca mắc tăng cao nhưng nhiệm vụ của người thầy thuốc không cho phép chúng tôi chùn bước. Đến tháng 11/2021, dịch tạm lắng, đón anh em về với bệnh viện, đoàn tụ với gia đình, may nhất là không ai bị lây nhiễm… tôi mới thực sự yên lòng…”.
Sau Tết Nguyên đán 2022 lại bước vào cao điểm dịch. Lúc đầu, Bệnh viện Hữu Nghị bố trí 30 giường điều trị COVID-19, sau đó phải chuyển đổi thêm nhiều phòng bệnh, nhiều khoa nội trú thành nơi điều trị COVID-19. Vừa khám, điều trị bệnh thông thường, vừa căng sức chống dịch nhưng các cán bộ y tế Bệnh viện Hữu Nghị luôn đoàn kết đồng lòng, sát cánh cùng nhau chèo chống vượt qua đại dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh cũng bộc lộ ra nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình mới, khó khăn chồng chất khó khăn… và “nút thắt” thực sự được “cởi trói” kể từ khi có Thông tư 13 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp. Lúc này, Bệnh viện Hữu Nghị cũng như nhiều cơ sở y tế công lập khác mới có cơ hội chuyển mình tốt hơn trước.
“Thông tư 13 cực kỳ phù hợp với sự phát triển của bệnh viện. Chúng tôi lên kế hoạch đầu tư, đi từng khoa phòng rà soát, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai luôn khi Thông tư có hiệu lực. Việc ban hành Thông tư 13 thực sự đã tạo động lực cho các khoa phòng tự hoàn thiện và phát triển mình hơn, có nguồn thu để tái đầu tư sửa chữa phát triển Bệnh viện, đời sống của cán bộ nhân viên y tế, người lao động từ đó cũng dần được cải thiện, anh em yên tâm công tác, cống hiến vì sự phát triển chung…” – người đứng đầu Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ.
… Và chuyện “giám đốc đi chiêu mộ nhân tài”
Chia sẻ về những tâm huyết của mình đã trở thành hiện thực, vị Giám đốc Bệnh viện tỏ ra rất phấn khởi khi những “đứa con” lần lượt chào đời để đáp ứng một cách tốt nhất cho việc khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Đó phải kể đến là Khoa Bác sĩ gia đình, Khoa Ngoại thần kinh – Chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại Tiết niệu, Khoa Da liễu. Lên kế hoạch sửa chữa, xây dựng khoa mới, đầu tư, mua sắm trang thiết bị đã là bài toán khó nhưng việc chiêu mộ được nhân tài về làm mới thực sự tốn nhiều thời gian công sức.
PGS. Hà nói: “Có năm chúng tôi đầu tư trang thiết bị tốn kém đến 20 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa ngân sách chi không thường xuyên của bệnh viện (thường khoảng 30 tỉ). Nhưng máy móc là một phần, con người mới là quan trọng, đặc biệt quan trọng. Máy mua về phải sử dụng thành thạo, đáp ứng được yêu cầu công việc chứ không thể bỏ xó. Vì thế cho nên chúng tôi để người sử dụng/ vận hành tham gia ngay từ đầu quá trình mua sắm, bởi họ biết cần gì, muốn gì và chính họ cũng hiểu được các thông số kỹ thuật, mua về là dùng ngay được, dùng sao cho an toàn và hiệu quả, không lãng phí…”.
Ông tiếp: “Con người là yếu tố then chốt hàng đầu, có khoa, chúng tôi mất hơn 1 năm kiên trì mời gọi hiền tài mới thành công. Tôi đích thân sang bệnh viện nơi bác sĩ đó công tác để trao đổi với Giám đốc bệnh viện đó về ý định của chúng tôi, rồi nói chuyện với bác sĩ, chia sẻ có, thuyết phục có… Nhưng điều đáng nói hơn cả đó là khi khoa mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả thực sự, là việc bổ sung chuyên khoa sâu cần thiết cho Bệnh viện Hữu Nghị, bởi lẽ trước đây chúng tôi phải chuyển bệnh nhân đi nơi khác thì nay đã tự chủ làm được và làm thành công nhiều kỹ thuật hiện đại hơn nữa. Lợi ích lâu dài thuộc về chính người bệnh…”.
Phát triển mô hình bác sĩ gia đình gắn với bệnh viện
Trong nhiều năm làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà nhận thấy mô hình bệnh tật ngày nay có nhiều thay đổi: các bệnh nhiễm trùng ngày càng giảm, trong khi các bệnh chuyển hóa lại ngày càng gia tăng. Do vậy, cơ sở khám chữa bệnh cũng cần thay đổi để đáp ứng với mô hình bệnh tật có nhiều đổi trong xã hội hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Hữu Nghị đã thành lập các khoa chuyên về điều trị các bệnh chuyển hóa (như bệnh nội tiết, đái tháo đường). Bên cạnh đó, trong bối cảnh bệnh ung bướu có xu hướng ngày càng tăng, bệnh viện cũng đã thành lập ra khoa Ung bướu xạ trị… Ban lãnh đạo Bệnh viện cũng đã quyết định thành lập Khoa Bác sĩ gia đình (số hotline 191391115), khoa này có nhiệm vụ đến tận gia đình người bệnh để khám, chẩn đoán, điều trị những bệnh có thể xử lý ngay tại gia đình. Với trường hợp nặng thì sẽ đưa người bệnh vào Bệnh viện để tiến hành khám xét chuyên sâu hoặc vào điều trị nội trú.
“Mô hình bác sĩ gia đình này có thể tiếp cận với tất cả bệnh nhân có nhu cầu, đặc biệt ở Hà Nội trong bối cảnh đường xá kẹt xe thường xuyên, để đưa một người bệnh tới bệnh viện – nhất là người cao tuổi lại hay bị các bệnh tai biến nằm liệt một chỗ… đi lại rất là khó khăn. Chính vì thế, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng được trang bị dụng cụ y tế sẵn sàng đến tận nhà chăm sóc cho bệnh nhân thì tôi nghĩ đây là một giải pháp rất hay, rất thuận tiện, hiệu quả cho cả đôi bên”- Giám đốc BV Hữu Nghị chia sẻ.
Bệnh viện Hữu Nghị được biết đến là một trong những đơn vị tiên phong phát triển mô hình bác sĩ gia đình gắn với bệnh viện. Trước đó, tại một số cơ sở y tế có thành lập phòng khám bác sĩ gia đình, tuy nhiên theo PGS. Hà, đó mới chỉ là khám bệnh đơn thuần, nếu các ca bệnh nặng thì vẫn phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khác để điều trị.
“Bộ phận phòng khám bác sĩ gia đình của chúng tôi đến tận nhà người bệnh khám, lấy máu xét nghiệm, xử lý các tình huống đơn giản, thậm chí có thể siêu âm, điện tâm đồ tại chỗ được. Ca bệnh nặng hơn chúng tôi sẽ đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị, điều trị tại bệnh viện. Như vậy đằng sau phòng khám bác sĩ gia đình là cả một bệnh viện với rất nhiều chuyên khoa, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm. Hiện nay, chúng tôi đã tiếp nhận có những cuộc gọi cách Bệnh viện hàng chục cây số, tương lai sẽ phát triển xa hơn” – PGS. Hà thông tin.
Theo các chuyên gia y tế, mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên…
Sự hài lòng của người bệnh là thước đo phát triển của bệnh viện
Bệnh viện Hữu Nghị với hơn 60 năm hình thành và phát triển đã là nôi đào tạo, quy tụ của đội ngũ chuyên gia, Giáo sư, bác sĩ đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực chuyên sâu của cả nước. Với đặc thù vừa là nơi thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ cho đối tượng cán bộ trung, cao cấp, bệnh viện còn tham gia khám chữa bệnh phục vụ người dân và được người dân, người bệnh đánh giá cao về tinh thần thái độ phục vụ “giỏi chuyên môn, sáng tròn y đức”.
Hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú cho gần 300.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho khoảng 26.000 lượt bệnh nhân, thực hiện được trên 6.000 ca phẫu thuật và 400.000 ca thủ thuật… Bệnh viện Hữu Nghị luôn xác định người bệnh là trung tâm và sự hài lòng của người bệnh chính là thước đo chất lượng khám, chữa bệnh. Thời gian qua, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp, thường xuyên cập nhật điều chỉnh, bổ sung để người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế dễ dàng và thuận tiện nhất. Tại các phòng khám ngoại trú, các bác sĩ, điều dưỡng đều đi làm sớm hơn 30 đến 60 phút (so với quy định chung) để triển khai việc tiếp đón, phát số khám, lấy máu làm xét nghiệm…
Để tránh quá tải vào khung giờ cao điểm buổi sáng, bệnh viện đã triển khai tiếp nhận đăng ký lấy số khám bệnh qua điện thoại. Đây là cách xếp hàng văn minh nhất được các nước phát triển áp dụng và cũng rất phù hợp với Bệnh viện Hữu Nghị (người bệnh chủ yếu cư trú ở nội/ ngoại thành Hà Nội nên chủ động được giờ có mặt). Bệnh nhân đến đúng giờ theo hẹn, không cần chờ đợi xếp hàng, rất văn minh lịch sự, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.
Hàng quý, bệnh viện đều tổ chức họp Hội đồng người bệnh để lắng nghe những ý kiến phản hồi, đóng góp xây dựng, những cảm nhận, chia sẻ, đánh giá… từ người bệnh. Từ đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, giải quyết những đòi hỏi xác đáng của người bệnh, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân để làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh. Rất nhiều thư khen, động viên của người bệnh thể hiện sự hài lòng, đánh giá nhận xét tốt về chuyển biến tích cực của bệnh viện trong thời gian qua. Tỉ lệ hài lòng của người bệnh nội trú, ngoại trú đều tăng dần trong những năm gần đây; tỉ lệ hài lòng nhân viên y tế cũng tăng; thu nhập bình quân đầu người tuy còn hạn chế nhưng năm 2024 đã đạt gần 20.000.000 đồng/người/tháng; điều kiện, môi trường làm việc được cải thiện rõ rệt, làm cho nhân viên y tế hứng khởi, phấn chấn hơn.
Ba mươi bảy năm gắn bó với Bệnh viện Hữu Nghị, coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, “đối với bệnh viện, không thể tính được giờ giấc…”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà luôn đau đáu làm sao bệnh viện ổn định và phát triển hơn nữa, đời sống anh em ngày một nâng cao. Ông cũng tâm niệm làm sao để bản thân và anh em luôn giữ được những giá trị cốt lõi đã vun đắp xây dựng từ lâu, đó là: giá trị về truyền thống Bệnh viện Anh hùng được các thế hệ cha anh đi trước vun đắp, gây dựng; Giá trị về tinh thần thái độ phục vụ người bệnh luôn tận tụy hết mình vì người bệnh, được người bệnh tin yêu, trao gửi sức khỏe, tính mạng; Giá trị về trình độ chuyên môn khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, phù hợp với mô hình bệnh tật người cao tuổi; Giá trị về môi trường làm việc tại bệnh viện lành mạnh, thân thiện, nơi sức mạnh của tập thể và sức sáng tạo của cá nhân được thể hiện tối đa…
“Mong muốn thì có nhiều và muốn làm nhiều hơn nữa vì lợi ích chung của bệnh viện. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn, những hạn chế… Người Giám đốc có được coi là thành công hay không thì phải do các thế hệ cán bộ nhân viên bệnh viện và chính người bệnh đánh giá. Sự hài lòng của người bệnh mới chính là thước đo phát triển của bệnh viện. Nhìn vào nhu cầu của người bệnh mà mình có định hướng phát triển bệnh viện, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu, kỹ thuật cao của người bệnh. Càng phấn đấu đáp ứng được nhiều thì người bệnh sẽ càng hài lòng hơn và bản thân mình cũng thấy vui, thấy phấn khởi…” – vị giám đốc giãi bày.
Minh Đức