Cử tri phản ánh, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề thách thức lớn về dân số như: Việt Nam đang là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh gia tăng. Cử tri kiến nghị sớm sửa đổi chính sách dân số để giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay.
Đến năm 2038, dự kiến tỷ lệ già hóa dân số ở nước ta sẽ tăng lên 20,21%
Về nội dung này trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Sự thành công của công tác dân số đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bên cạnh những thành công của công tác dân số, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh đang gia tăng.
Theo số liệu Điều tra Dân số năm 2022, tỷ lệ người từ đủ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12,6% dân số, và dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20,21%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, kết quả năm 2023 đạt 73,7 tuổi.
Tuổi thọ trung bình tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế.
Mất cân bằng giới tính khi sinh có thể dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai
Bộ Y tế cũng cho biết mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một thách thức lớn. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta là 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên. Đến năm 2023, tỷ số này ở mức 112 bé trai/100 bé gái; mặc dù tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên vẫn chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.
Trước thực trạng nêu trên, công tác dân số đòi hỏi phải có những đổi mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản.
Với nguyên tắc chung của Đảng là lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm trọng tâm là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017, giao các Bộ, ngành xây dựng, trình Luật Dân số và sửa đổi 06 luật; giao 12 Bộ, ngành xây dựng, triển khai 32 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể.
Bộ Y tế cho biết theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện nội dung hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, tập trung vào các nội dung như:
- Duy trì mức sinh thay thế;
- Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên;
- Thích ứng với già hóa dân số, dân số già;
- Phân bố dân số hợp lý;
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
- Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.