1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh bướu cổ
Giảm mệt mỏi: Khi bị bướu cổ, người bệnh có thể thường cảm thấy mệt mỏi, nhưng tập luyện thường xuyên cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp chống lại sự mệt mỏi.
Hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn: Khi mắc bướu cổ, giấc ngủ của người bệnh có thể bị gián đoạn do đổ mồ hôi ban đêm dẫn đến ngủ kém hơn. Tập luyện thường mang lại giấc ngủ ngon hơn cũng như nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người bệnh.
Cải thiện tâm trạng: Trầm cảm thường gặp ở các bệnh rối loạn tuyến giáp. Tập thể dục làm tăng lượng hormone endorphin (hormone “giảm căng thẳng”) trong cơ thể và khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Tăng mật độ xương, tăng cường trao đổi chất: Tình trạng bất động, không hoạt động thể chất có nguy cơ dẫn đến loãng xương do giảm mật độ xương. Do đó, việc tập luyện hàng ngày rất quan trọng với người bệnh bướu cổ để ngăn ngừa các vấn đề về xương và hỗ trợ quá trình trao đổi chất lành mạnh.
Người bệnh bướu cổ cần thực hiện các biện pháp điều trị theo phác đồ của chuyên gia.
2. Bài tập tốt nhất cho người bệnh bướu cổ
Điều quan trọng nhất với người bệnh bướu cổ là thực hiện các biện pháp điều trị theo phác đồ của chuyên gia. Trong các trường hợp bệnh đã ổn định, người bệnh có thể thực hiện các hoạt động thể chất như người bình thường.
2.1. Các hoạt động có tác động thấp
Nếu đã lâu không tập thể dục, bạn có thể tập chậm rãi, chọn các bài tập có tác động thấp để bắt đầu và giúp cơ thể dần dần thích nghi. Các hoạt động tác động thấp là những bài tập dễ dàng và nhẹ nhàng với cơ xương khớp. Người bệnh có thể chọn một trong số các hoạt động như đi bộ, đạp xe ngoài trời hoặc trong nhà, leo cầu thang; các bài tập yoga, khiêu vũ, bơi lội, thể dục nhịp điệu …
2.2. Các hoạt động có tác động cao
Đây là những hoạt động có cường độ cao hơn như nhảy dây, chạy bộ hoặc chạy, leo núi, leo cầu thang nhiều tầng…
2.3. Các bài tập yoga cải thiện sức khỏe tuyến giáp cho người bệnh bướu cổ
Tư thế xác chết
Tác dụng: Thư giãn sâu, giảm các triệu chứng bướu cổ như lo lắng, mệt mỏi.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên sàn.
Duỗi thẳng hai tay, đặt xuôi theo thân, duỗi thẳng chân.
Nhắm mắt nhẹ nhàng, thả lỏng toàn bộ cơ thể. Hít thở đều.
Đảm bảo cơ thể bạn hoàn toàn thư giãn và tập trung vào tâm trí.
Đứng bằng vai
Tác dụng: Tư thế này kích thích lưu lượng máu đến các tuyến trên cơ thể và điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Ngoài ra, việc hóp cằm vào ngực còn có lợi cho chức năng tuyến giáp trong cơ thể, từ đó cải thiện sức khỏe tuyến giáp.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa, bạn có thể đặt một tấm chăn chắc chắn ở phần lưng trên để dễ vào tư thế.
Hai chân duỗi thẳng hoặc gập đầu gối. Cánh tay ở cạnh cơ thể với lòng bàn tay úp xuống.
Đẩy lưng dưới xuống sàn khi bạn thở ra và khi hít vào, nâng chân lên, đồng thời ấn cánh tay và lòng bàn tay xuống sàn.
Đưa hai chân qua đầu và đặt lòng bàn tay lên lưng để hỗ trợ thắt lưng rồi từ từ duỗi thẳng chân, bàn chân hướng lên trần nhà.
Tư thế cái cày
Tác dụng: Đây là một tư thế yoga tăng cường sức mạnh, kéo giãn và thư giãn. Cổ được mở rộng trong tư thế này, kích thích tuyến yên và tuyến giáp hoạt động hiệu quả hơn.
Cách thực hiện:
Từ tư thế đứng bằng vai, hạ cả hai chân qua đầu, ngón chân chạm sàn. Giữ tư thế trong khoảng thời gian có thể.
Tư thế con cá
Tác dụng: Tăng lưu lượng máu đến tuyến giáp.
Cách thực hiện:
Nằm ngửa trên sàn. Chân bắt chéo tư thế đài sen. Nâng phần thân trên lên khỏi mặt đất sao cho thân trên, ngực, vai nâng lên; cằm hơi hếch để kéo dài phần sau cổ; đỉnh đầu hướng chạm nhẹ trên sàn.
Hít thở sâu và thở ra bằng mũi, hít vào và thở ra thật dài. Giữ tư thế này lâu nhất là ba phút, nếu có thể.
Tư thế con cá tăng lưu lượng máu đến tuyến giáp.
Gập người về phía trước một chân
Tác dụng: Động tác gập người về phía trước bằng một chân giúp kéo giãn cột sống đến mức tối đa, làm săn chắc vai, xoa bóp các cơ quan vùng bụng và giảm lo lắng, mệt mỏi. Tư thế này cũng có lợi cho sức khỏe của tuyến giáp.
Cách thực hiện:
Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng, dang rộng trước mặt.
Cong đầu gối phải và đặt bàn chân phải vào đùi trong bên trái, thả lỏng đầu gối xuống.
Xoay phần thân trên hướng về phía chân trái và sau đó gập người về phía trước từ hông, hai tay ôm mắt cá chân hoặc bàn chân trái.
Giữ cột sống kéo giãn, ngực mở và vai thư giãn.
Giữ tư thế trong 5 đến 10 nhịp thở.
Tư thế rắn hổ mang
Tác dụng: Tư thế này giúp kéo dài vùng cổ và cổ họng, làm tăng lưu lượng máu đến tuyến giáp, có tác dụng tăng cường chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, tư thế còn cải thiện chức năng tuyến giáp bằng cách giảm căng thẳng và áp lực.
Cách thực hiện:
Nằm sấp trên sàn, úp mu bàn chân và giữ khoảng cách hai chân rộng bằng hông.
Đặt úp lòng bàn tay ngang ngực và dùng lực nâng phần thân trên rời khỏi sàn.
Lưu ý, không duỗi thẳng cánh tay mà giữ cánh tay hơi chùng xuống để tránh dồn trọng lượng vào tay.
Mắt nhìn thẳng phía trước. Giữ tư thế trong khả năng có thể.
3. Lưu ý khi tập luyện dành cho người bệnh bướu cổ
Thời điểm tập tốt trong ngày: Người bệnh bướu cổ có thể lựa chọn thời điểm tập luyện trong ngày cho phù hợp với lịch trình làm việc và học tập. Tốt nhất nên tập buổi sáng sớm và ít nhất 2h sau khi ăn no.
Cách tập không gây hại sức khỏe:
Thực hiện các bài tập ở môi trường thích hợp, không quá nóng, quá ồn.
Nên thực hiện kết hợp các bài tập cường độ vừa phải và cường độ cao khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Nên lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp tình trạng sức khỏe và sắp xếp thời gian hợp lý hướng đến mục tiêu duy trì sự đều đặn, thường xuyên.
Nên tập luyện vừa sức, tăng dần cường độ, không nên hấp tấp, vội vàng mà cần tập tuần tự từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp…
Mời bạn xem thêm video
Đơn giản mà hiệu quả: Thử ngay bài tập hít thở giúp cải thiện tình trạng bệnh “Hay quên”