1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư xương
GS.TS Lê Thị Hương, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư kể từ khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh. Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng.
Dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với người mắc bệnh ung thư. Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh giúp ích cho người bệnh trong quá trình điều trị. Điều này có thể giúp người bệnh ung thư nói chung và ung thư xương nói riêng khỏe mạnh hơn, giúp duy trì cân nặng hợp lý, giúp chống lại nhiễm trùng. Chế độ ăn tốt giúp người bệnh ngăn ngừa hoặc kiểm soát một số tác dụng phụ của việc điều trị.
Cơ thể người bệnh cần năng lượng để chống lại bệnh tật, nâng cao thể trạng trong các giai đoạn như hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị khác. Tác dụng phụ của hóa trị có thể khiến người bệnh buồn nôn, gây mất hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc thậm chí làm cho thức ăn có vị khác.
Một số loại thực phẩm người bệnh từng yêu thích có thể khiến họ cảm thấy buồn nôn. Đây cũng là giai đoạn mà người bệnh dễ sụt giảm cân, suy dinh dưỡng và điều này rất bất lợi. Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây tăng cân. Điều quan trọng là vẫn phải tập trung vào việc ăn uống lành mạnh để giúp kiểm soát việc tăng cân trong quá trình điều trị.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh ung thư xương
Theo các bác sĩ BV K, một số khuyến nghị dinh dưỡng chung cho người bệnh điều trị ung thư bao gồm:
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Đối với nhiều người bệnh, nên tránh giảm cân bằng cách dung nạp đủ lượng calo mỗi ngày. Đối với những người bệnh thừa cân – béo phì, cần giảm cân.
- Sử dụng chất dinh dưỡng thiết yếu: gồm protein, carbohydrate, lipid, vitamin, khoáng chất và nước.
- Tập luyện tích cực, phù hợp khi có thể như đi bộ hằng ngày ngay cả khi không có ý định giảm cân bởi vì hạn chế vận động (ngồi hoặc ngủ quá nhiều) dễ gây giảm khối lượng cơ, tăng lượng mỡ cơ thể.
- Thực hiện một mô hình ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau và trái cây, một lượng vừa phải ngũ cốc, các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu nành, cùng các loại thịt như cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc sản phẩm từ sữa ít béo.
Ngoài ra, chế độ ăn uống tốt nhất với người bệnh ung thư xương phụ thuộc vào một số yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí khối u, phương pháp điều trị và tác dụng phụ… Nhưng một số thành phần nhất định của chế độ ăn uống tốt thì không đổi.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết: Trái cây, rau, đậu, các loại hạt, thịt như thịt gia cầm, cá cùng với việc uống nhiều nước là lý tưởng. Đây là những thực phẩm mà nghiên cứu đã chỉ ra là có thể thúc đẩy, hỗ trợ sức khỏe tốt. Cố gắng tránh đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn, có thể chứa nhiều đường và chất béo bổ sung. Càng ăn nhiều thực phẩm nguyên chất thì càng nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Protein
Điều quan trọng nhất là đảm bảo người bệnh ung thư nhận được lượng calo và protein cần thiết để giữ cho cơ thể khỏe mạnh trong quá trình điều trị. Người bệnh, người chăm sóc hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị.
Theo chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Katrina Sommer của OSF HealthCare cho biết, khi người bệnh bị tổn thương mô, dù là do ung thư hay do điều trị, cơ thể sẽ phải làm việc chăm chỉ để tự phục hồi. Vì thế cơ thể sử dụng các chất dinh dưỡng từ thực phẩm trong chế độ ăn, đặc biệt là protein cho mục đích này. Nếu người bệnh không ăn đủ, cơ thể sẽ sử dụng hết năng lượng và protein. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi hơn, cơ bắp bắt đầu yếu đi, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Do cơ thể tiêu thụ rất nhiều calo và protein trong quá trình điều trị nên người bệnh cần ăn để hỗ trợ quá trình này.
Protein đặc biệt quan trọng với bất kỳ quá trình điều trị bệnh ung thư nào. Hãy ăn một ít protein trong mỗi bữa ăn, ví dụ thêm trứng, bơ đậu phộng vào đồ ăn nhẹ. Ăn nhiều protein thực vật hơn, như các loại hạt, đậu lăng.
Cơ thể người bệnh cần sự cân bằng giữa lượng calo và protein để hoạt động tốt nhất. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng có thể yêu cầu người bệnh tạm thời tăng lượng protein trong chế độ ăn uống. Nếu người bệnh vừa mới phẫu thuật hoặc có vết thương, ăn nhiều protein sẽ giúp mau lành.
Một số thực phẩm giúp tăng lượng protein trong chế độ ăn uống của mình như ăn thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, trứng, sữa, phô mai, đậu, các loại hạt hoặc bơ hạt, thực phẩm từ đậu nành. Thêm đậu xanh, đậu thận, đậu phụ, trứng luộc, các loại hạt và thịt hoặc cá nấu chín vào món salad. Sử dụng nước luộc xương đã tiệt trùng cho các món súp, món hầm.
Tăng cường thực phẩm chống viêm
Trái cây, rau, đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt về cơ bản đều là những thực phẩm góp phần chống ung thư tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và tỷ lệ ung thư thấp hơn.
Thực vật sản xuất ra các hóa chất – được gọi là phytochemical – có nhiều lợi ích. Chúng có tác dụng chống viêm, có thể bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương và ngăn chặn ung thư phát triển.
Chất xơ, có nhiều trong thực phẩm thực vật, có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ có liên quan đến nguy cơ ung thư vú, ung thư đại tràng thấp hơn.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa chế độ ăn dựa trên thực vật và nguy cơ ung thư thấp hơn cũng có thể là do cân nặng. Những người ăn chủ yếu thực phẩm từ thực vật có xu hướng tiêu thụ ít calo hơn, ít có khả năng bị thừa cân, đây là yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư.
3. Chế độ ăn chay và ung thư
BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM cho biết, người ăn chay nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Tốt nhất nên đủ các nhóm thực phẩm như chất đạm (nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua…), chất béo (các loại dầu ép, hạt có dầu), các loại tinh bột/đường (gạo, ngô, khoai), các loại rau, hoa, quả, muối khoáng.
Trong phòng và điều trị ung thư, điều quan trọng là phải có chế độ ăn uống cân bằng, chứ không phải thiên lệch về trường phái ăn uống nào đó. Ăn uống cân bằng tức là sẽ tận dụng được các nguồn dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế tác hại khi ăn quá nhiều thực vật hay động vật.
Trên thực tế, chế độ ăn thuần chay đòi hỏi phải cắt bỏ tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Điều này có nghĩa là không có thịt, cá, trứng hoặc sữa.
Người ăn chay sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật để thay thế protein, một số vitamin B và canxi trong chế độ ăn uống của họ mà những người khác có được từ thực phẩm có nguồn gốc động vật. Do vậy, người bệnh ung thư, trong đó có ung thư xương nếu ăn chay phải thực hiện đúng cách, để bảo đảm dinh dưỡng cân bằng.
4. Thực phẩm bệnh nhân ung thư cần tránh
Mục tiêu của chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư là giúp cơ thể khỏe mạnh và cân đối dinh dưỡng để chống lại ung thư, đối phó với các tác dụng phụ của quá trình điều trị. Tránh các loại thực phẩm có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, cũng như bất kỳ thứ gì khiến người bệnh buồn nôn hoặc khó nhai, nuốt hoặc tiêu hóa.
Người bệnh cần tránh các loại thực phẩm cay, nhiều chất béo, thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ uống có cồn, đồ uống có gas hoặc caffeine… điều chỉnh độ đặc của thực phẩm nếu khó nhai, khó nuốt. Mục tiêu chung của quá trình điều trị là duy trì cân nặng và sức mạnh của người bệnh.
Biết và tuân thủ các hạn chế chế độ ăn uống thường xuyên. Nếu người bệnh ung thư xương bị đái tháo đường, hãy chú ý đến lượng đường trong máu, vì một số phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nếu người bệnh có vấn đề về tim, hãy theo dõi lượng natri nạp vào cơ thể.
Luôn đọc nhãn thực phẩm để biết thành phần của thực phẩm và liệu nó có phù hợp với chế độ dinh dưỡng của người bệnh hay không.
5. Một số hướng dẫn dinh dưỡng với người bệnh ung thư
Khi bắt đầu điều trị, việc tuân theo chế độ ăn uống thông thường của người bệnh ung thư xương có thể trở nên khó khăn.
Người bệnh ung thư có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết từ một chế độ ăn uống cân bằng. Trường hợp gặp khó khăn trong việc tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung vitamin, khoáng chất và thảo dược phù hợp với thể trạng của từng người bệnh.
Vì vậy khi muốn dùng bất kỳ chất bổ sung nào trong chế độ ăn uống, trước tiên hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng và dược sĩ.
An toàn thực phẩm
Trong quá trình điều trị ung thư, cơ thể gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là đảm bảo rằng thực phẩm người bệnh đang ăn là an toàn. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Giữ nước
Giữ nước (uống đủ chất lỏng) trong quá trình điều trị ung thư. Người bệnh bổ sung nước cho cơ thể bằng nước lọc, thực phẩm như súp, nước dùng, nước ép trái cây và rau quả, trà thảo dược, sữa…
Trong quá trình điều trị, chuyên gia dinh dưỡng có thể đề xuất một số loại thực phẩm giúp người bệnh nạp thêm calo, bổ sung nhiều protein hơn hoặc ăn uống thoải mái hơn.
Lời khuyên cho việc ăn uống đủ chất
Các bác sĩ bệnh viện K cho biết, triệu chứng buồn nôn hay nôn có thể xuất hiện ở những người bệnh điều trị bằng tia xạ. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn nôn, nôn phụ thuộc vào vùng được tia xạ. Triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của người bệnh do việc cung cấp không đủ năng lượng, thiếu hụt một số chất dinh dưỡng do không bù đủ lượng dịch mất đi do nôn. Một số người bệnh cảm thấy nôn nao khoảng vài giờ ngay sau khi xạ trị. Nếu người bệnh có triệu chứng này, nên ăn nhẹ trước hoặc sau khi xạ trị.
Nếu người bệnh buồn nôn trước xạ trị, có thể hướng dẫn người bệnh thử ăn bữa nhẹ như bánh mì, thư giãn nhiều nhất có thể.
Những gợi ý dưới đây giúp người bệnh cải thiện tình trạng dạ dày khi xạ trị:
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên. Ví dụ, mỗi ngày nên ăn 6 đến 8 bữa thay vì 3 bữa chính. Đừng đợi cho đến khi cảm thấy đói mới ăn.
- Khuyến khích người bệnh ăn thường xuyên, ăn chậm, nhai kĩ.
- Tránh thực phẩm cay, chiên, ngọt và chứa hàm lượng chất béo cao.
- Uống nước hoặc đồ uống khác giữa các bữa ăn.
- Không ăn thực phẩm quá nóng, nhiệt độ thức ăn nên ở nhiệt độ phòng.
- Nếu tình trạng dạ dày không tốt, thử chế độ ăn lỏng như nước dùng hoặc nước hoa quả hoặc thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Tập cách thở và thư giãn khi cảm thấy buồn nôn.
Xem thêm: