1. Vì sao phụ nữ mang thai thường bị rạn da?
Rạn da không chỉ gặp ở phụ nữ mang thai mà còn gặp ở người tăng cân nhanh trong một thời gian ngắn. Ở phụ nữ mang thai, không chỉ tăng trọng lượng mà trong quá trình mang thai, khi thai dần lớn thì càng tăng kích thước ở bụng, ngực, mông, đùi… cũng tăng lên.
Cơ thể lúc bình thường, các sợi collagen và elastin có thể đàn hồi rất tốt nên da có thể bị căng ra hoặc co lại nhưng không gây rạn da. Khi mang thai, cùng với sự thay đổi nội tiết tố, thay đổi của cơ thể diễn ra nhanh và trong một thời gian khá dài khiến các sợi collagen và elastin ở các vùng da bị tác động không kịp đàn hồi để thích nghi, gây ra tình trạng đứt gãy collagen, gây nên tình trạng rạn da.
Tuy rạn da không gây đau, nhưng có thể gặp phải tình trạng ngứa ngáy. Sau đó trên da bắt đầu xuất hiện những đường nứt nhỏ, căng bóng hơn so với các vùng da thường xung quanh. Ban đầu, vết rạn có màu hồng nhạt, sau đó dần dần tím thẫm rồi chuyển thành màu trắng hoặc thâm.
Rạn da có thể bắt đầu ở tháng thứ 4 của thai kỳ, nhưng thường gặp nhất từ tháng thứ 6 trở đi. Ở giai đoạn này, do thai nhi tăng trưởng nhanh, người mẹ cũng tăng cân nhanh nên tình trạng rạn da xuất hiện nhiều hơn.
Tùy theo cơ địa mỗi người cũng như khả năng phục hồi collagen và elastin sau sinh mà mức độ rạn da ở mỗi người là khác nhau. Có người rạn ít, có người rạn nhiều, vết rạn có thể nông hoặc sâu, rạn dài hay ngắn, vết rạn ngang hay rạn dọc theo thành bụng.
Khi đã xuất hiện các vết rạn da khi mang thai thì sau khi sinh, đa phần các trường hợp bị rạn da chỉ mờ đi chứ không biến mất. Làn da cũng không thể đàn hồi về trạng thái như ban đầu. Lúc này, nếu muốn cải thiện tình trạng rạn da, cần sử dụng kết hợp các thành phần chăm sóc da chuyên biệt cùng máy móc để làm săn chắc da.
Một số trường hợp rạn nhiều, vết rạn dài và sâu, để xử lý hết vết rạn cần can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên dù dùng biện pháp nào thì cũng không thể giúp làn da trở về như trước khi mang thai.
2. Ngăn ngừa rạn da khi mang thai
Mặc dù rạn da không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến vóc dáng, thẩm mỹ. Do đó hầu hết chị em khó chịu, lo lắng với tình trạng này. Điều trị rạn da không thể hiệu quả bằng phòng ngừa rạn da.
Để phòng rạn da khi mang thai, có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
– Kiểm soát cân nặng: Ngay trong những tháng đầu của thai kỳ, cần lưu ý đến vấn đề kiểm soát cân nặng, tốt nhất là theo sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Hầu hết các chị em khi mang thai thường lo lắng đến tình trạng sức khỏe của thai nhi, do đó sẽ tìm cách tẩm bổ. Trong chế độ ăn hằng ngày, ngoài các thực phẩm bổ dưỡng, phụ nữ thường ăn nhiều hơn so với bình thường. Chính vì thế sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân quá mức, đặc biệt là sau giai đoạn nghén thì việc kiểm soát cân nặng sẽ khó khăn hơn nếu không kiểm soát chế độ dinh dưỡng ngay từ đầu.
Mặc dù tăng cường dinh dưỡng giai đoạn mang thai là rất quan trọng, nhưng không đồng nghĩa với việc ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân. Cần lưu ý tăng cường dinh dưỡng dựa trên một chế độ ăn uống hợp lý. Trong suốt quá trình mang thai nên kiểm soát tăng cân đều đặn, tổng số cân nặng tăng lên cho đến khi sinh nở chỉ từ 10-12kg là hợp lý.
Chế độ ăn uống cần khoa học, đảm bảo cung cấp cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Bổ sung đầy đủ vitamin A, vitamin C, vitamin E, protein nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con cũng như giúp ngăn ngừa nguy cơ bị rạn da khi mang thai.
– Sử dụng kem chống rạn da: Đến tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu phát triển nhanh. Lúc này bụng, ngực của người mẹ cũng tăng nhanh theo. Ngoài chế độ kiểm soát cân nặng, chị em có thể bắt đầu sử dụng kem chống rạn da phù hợp với phụ nữ mang thai để giúp da có độ đàn hồi tốt hơn, săn chắc hơn. Kết hợp với kem dưỡng ẩm để ngăn ngừa da khô sẽ giảm tình trạng ngứa ngáy, nứt da do làn da bị khô.
– Massage: Ngoài thoa kem, có thể kết hợp massage nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Massage vừa giúp thư giãn vừa giúp kem chống rạn thẩm thấu tốt hơn. Có thể sử dụng các sản phẩm tự nhiên để an toàn cho mẹ và bé. Các sản phẩm dễ kiếm và an toàn như:
+ Dầu dừa: Có thể giúp làm tăng sự mềm mại và đàn hồi cho da, giúp hạn chế nguy cơ bị rạn da. Lấy vài giọt dầu dừa vào lòng bàn tay, xoa 2 bàn tay để làm nóng dầu dừa. Sau đó thoa đều dầu dừa lên vùng có nguy cơ rạn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Nên sử dụng dầu dừa nguyên chất là và bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ.
+ Lòng trắng trứng gà: Chứa nhiều protein và các vi chất có thể giúp da trắng hồng, tăng sự đàn hồi, ngăn ngừa quá trình rạn da. Lòng trắng trứng gà cũng có thể giúp cải thiện vùng da đã bị rạn da nhờ khả năng phục hồi và tái tạo các collagen trong da. Lấy lòng trắng trứng gà đánh nhuyễn rồi thoa đều lên vùng da có nguy cơ bị rạn. Để khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại. Thực hiện đều đặn hằng ngày vào buổi tối.
+ Sữa tươi: Trong sữa tươi chứa các chất có lợi như protein, vitamin, acid lactic và các enzym… Các chất này giúp giữ ẩm, làm mềm da, chống lão hóa, kích thích da sản sinh collagen, ngăn ngừa rạn da và làm lành mờ các vết sẹo. Sử dụng sữa tươi không đường massage lên vùng da có nguy cơ bị rạn da. Dùng liên tục và đều đặn mỗi ngày.
– Uống đủ nước: Khi da bị khô sẽ khiến độ bền vững trong kết cấu của da bị giảm đi. Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp các tế bào đều ở trạng thái đủ nước, giúp cho da đủ độ ẩm và mịn màng. Một làn da mềm mại khỏe mạnh sẽ ít nguy cơ bị rạn da hơn một làn da khô.
Kết hợp các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe và rèn sự dẻo dai cho xương, khớp, da cơ… cũng giúp hạn chế tình trạng rạn da.
Mời độc giả xem thêm video:
Làm thế nào để không bị nám da khi mang thai? | SKĐS