1. Vì sao gọi là amip ăn não?
“Amip ăn não” do Naegleria fowleri, là một sinh vật đơn bào đơn giản sống trong đất và nước ngọt ấm gây ra. Khi một người bơi hoặc lặn trong vùng nước bị nhiễm bệnh, những ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi.
Sau đó, khi vào bên trong cơ thể, thường là lên mũi, chúng sẽ di chuyển đến não. N. fowleri sẽ tiêu thụ hồng cầu cũng như tế bào thần kinh, gây tổn thương, viêm nhiễm và phá hủy mô não. Điều này có thể gây ra một căn bệnh nghiêm trọng và thường gây tử vong được gọi là viêm màng não do amip nguyên phát (PAM).
2. Làm thế nào amip xâm nhập vào não?
Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Trưởng khoa Hồi sức nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), amip sống được ở nhiệt độ trên 30 độ C và chịu được nhiệt độ lên đến 45 độ C trong môi trường tự do, thường được tìm thấy trong các khu vực nước ngọt ấm, chẳng hạn như ao, hồ, sông, suối nước nóng, đất ẩm. Hiện chưa có bằng chứng ghi nhận ký sinh trùng có thể tồn tại trong môi trường nước biển. Amip xâm nhập vào não bộ của người thông qua niêm mạc đường mũi.
Các nghiên cứu cho thấy amip N. fowleri bị thu hút bởi các chất hóa học mà các tế bào thần kinh sử dụng để giao tiếp với nhau. Khi vào mũi, amip di chuyển qua dây thần kinh khứu giác (dây thần kinh kết nối với khứu giác) vào thùy trán của não. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, N. fowleri thường ăn vi khuẩn. Nhưng khi amip xâm nhập vào người, nó sẽ sử dụng não làm nguồn thức ăn.
Mũi là đường đi của amip, do đó nhiễm trùng có nguy cơ xảy ra khi lặn, trượt nước hoặc thực hiện các môn thể thao dưới nước trong đó nước bị đẩy vào mũi. Nhiễm trùng cũng xảy ra ở những người ngâm đầu trong suối nước nóng hoặc rửa mũi với nước chưa qua xử lý.
3. Đông y có điều trị được amip ăn não không?
Vì đây là một bệnh rất hiếm gặp và tỷ lệ lớn bệnh nhân thường nguy kịch dẫn đến tử vong nên tuyệt đối không điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền mà cần điều trị tích cực tại các bệnh viện lớn.
4. Amip ăn não có lây không?
Bệnh do amip ăn não xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với nước ngọt ấm. Hầu hết các trường hợp liên quan đến việc bơi ở sông, hồ hoặc ao nước ngọt. Bệnh chỉ có thể xảy ra khi nước bị nhiễm N. fowleri đi vào mũi. Trên thế giới, đã có những trường hợp được báo cáo về việc nhiễm amip ăn não do mọi người sử dụng nước máy thay vì nước cất hoặc nước khử trùng để rửa mũi. Bệnh amip ăn não không thể lây từ người này sang người khác.
5. Nhiễm amip ăn não có chữa khỏi được không?
Mặc dù amip N. fowleri tương đối phổ biến ngoài môi trường nhưng nó được coi là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp. Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt Naegleria fowleri, nhưng việc điều trị thành công các trường hợp ở người là rất hiếm do thách thức trong việc chẩn đoán sớm. Một khi nhiễm loại ký sinh trùng này, bệnh nhân gần như tử vong nhanh chóng hoặc một số ít sống sót nhưng sẽ đối mặt với những biến chứng vô cùng nặng nề. Theo CDC Hoa Kỳ, hơn 97% số người nhiễm N. fowleri đều tử vong nhanh chóng. Tại Hoa Kỳ, từ năm 1962 đến năm 2021, chỉ có 4 trong số 154 người nhiễm bệnh sống sót.
6. Chi phí điều trị amip ăn não
Chi phí điều trị amip ăn não khá cao do kết hợp nhiều phương pháp điều trị tích cực với thở máy, dẫn lưu não thất ngoài để giảm áp lực nội sọ, quản lý phù não, kháng sinh phổ rộng và các thuốc theo khuyến cáo của CDC. Bệnh nhân thường cần hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Quá trình điều trị cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như bệnh truyền nhiễm, thần kinh, ICU, và dược để đảm bảo điều trị toàn diện và tối ưu.
Xem thêm: