Thời tiết nắng nóng, ánh nắng gay gắt khiến chúng ta ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, say nắng, sốc nhiệt… ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Hàng ngày, khi ra ngoài trời nắng gắt, chúng ta cần chuẩn bị trang phục phù hợp, chuẩn bị nước bên mình, cung cấp đủ lượng nước hàng ngày.
Dưới đây là 3 loại thảo dược phổ biến dễ kiếm có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể:
1. Hà diệp giải nhiệt mùa nắng nóng
Lá sen hay còn gọi là hà diệp, tên khoa học Folium Nelumbinis.
Lá sen phơi khô, nguyên hình tròn, nhăn nheo, nhàu nát, đường kính từ 30 – 60cm. Mặt trên lá màu lục tro, hơi nhám; mặc dưới màu lục nâu, nhẵn bóng, mép nguyên. Gân lá sen có khoảng 17 – 23 gân tỏa tròn như hình nan bánh xe. Lá có mùi thơm.
Tính vị, qui kinh: Vị đắng, hơi chát, tính bình. Quy kinh: Can, tỳ, vị.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải thử (chữa bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra), khử ứ (phá ứ trệ), chỉ huyết (cầm máu).
Điều trị cho các trường hợp: Lá sen thơm, tính mát, vị thanh; khi uống nước lá sen tạo cảm giác thư thái, loại bỏ “nhiệt tích”, loại bỏ độc tố trong cơ thể; say nắng; sốt vào mùa hè; buồn nôn kèm đi ngoài vào mùa hè… điều trị cầm máu khi kết hợp với một số vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt khác…
Cách sử dụng: Hãm lấy 12 – 15g lá sen khô với 500ml nước nóng, sau đó đợi nước nguội rồi uống phần trà sen đó.
Lưu ý: Lá sen trong đông y là một vị thuốc được dùng để chữa bệnh. Hay nói cách khác, lá sen có dược tính, giúp giải thử, lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, nhuận trường…
Lá sen có công dụng rất tốt với người đang mắc chứng say nắng, sốt vào mùa hè, bị say nắng dẫn đến vừa nôn vừa đi ngoài…
Trường hợp không gặp các triệu chứng này mà uống nước lá sen e rằng tác động dược tính của lá sen không những không cải thiện sức khỏe, mà còn khiến cơ thể mất cân bằng, hình thành một số bệnh mới. Do đó nếu không mắc các chứng trạng trên thì không nên dùng lá sen.
Không nên uống lá sen trước khi đi ngủ 30 phút vì có thể bị ảnh hưởng tới giấc ngủ.
2. Tây qua
Tây qua là tên gọi Y học cổ truyền của dưa hấu. Tên khoa học là Endocarpium citrulli, họ bí Cucurbitaceae.
Dưa hấu được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới để lấy quả ăn. Dưa hấu có thể cho quả trưởng thành trong vòng 100 ngày kể từ khi gieo trồng.
Tính vị, quy kinh: Vị ngọt, tính lạnh. Qui kinh tâm, vị.
Tác dụng: Thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, lợi niệu.
Ứng dụng cho trường hợp: Người vừa ở thời tiết nắng nóng, ở vùng ánh nắng mặt trời mà ít đồ bảo hộ che chắn, xuất hiện xây xẩm mặt mày, hoa mắt chóng mặt, toát nhiều mồ hôi, mặt đỏ, cơ thể mệt mỏi,…
Cách dùng: Có thể dùng trực tiếp, riêng tây qua, dùng 40 – 100g tây qua, ăn quả hoặc ép lấy nước uống. Đồng thời, tìm nơi thoáng mát, nghỉ ngơi, để cơ thể hồi phục.
Lưu ý: Không nên sử dụng dưa hấu với người bụng đầy chướng, ăn uống chậm tiêu, đi ngoài phân sống.
3. Đậu đen
Đậu đen có vị ngọt, tính bình lợi về kinh tỳ và thận, có công dụng hoạt huyết giải độc, khứ phong lợi thủy, bổ thận tư âm, điều trung hạ khí, thanh nhiệt giải biểu, kiện tỳ, dưỡng gan, minh mục (làm sáng mắt)…
Dùng để trị các chứng thủy thũng, cước khí do phong độc, vàng da, các bệnh lý hậu sản, lở loét ngoài da, di niệu, tai ù tai điếc, thị lực kém do thận hư, viêm dây thần kinh…
Dùng lâu có công dụng bổ thận, cường thận, tăng sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ rất có lợi cho cả người già, trẻ em và phụ nữ sau khi sinh.
Để giải nhiệt có thể lấy đậu đen 80g, lê 1 quả, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống hàng ngày.
Ngoài việc sử dụng các vị thuốc có tác dụng giải nhiệt, để làm mát cơ thể trong mùa nắng nóng, mọi người cần chú ý bổ sung đủ nước cho cơ thể, tối thiểu 8 cốc nước mỗi ngày, không tính các loại nước có trong thực phẩm, đồ ăn.
Có thể bổ sung một số loại nước uống có tính giải nhiệt như nước đậu xanh, trà khổ qua, nước rau má, nước chanh, nước cam, trà xanh, nước dừa, nước mía…
Để ứng phó với thời tiết nóng bức, oi ả, nắng gay gắt, cần chú ý có đồ bảo hộ, che chắn khi phải đi hoặc làm việc ngoài trời nắng như kính râm, mũ rộng vành, áo chống nắng, khẩu trang…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ai không nên uống nước mát giải nhiệt?