Cách tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh ung thư phổi

Người bệnh ung thư phổi nói riêng hoặc các bệnh lý hô hấp nói chung cần luyện tập thể dục mỗi ngày. Điều này giúp phục hồi chức năng hô hấp, đặc biệt giúp cho quá trình trao đổi khí trong cơ thể được diễn ra thuận lợi, đào thải những khí cặn một cách tối đa, giúp cho luồng không khí hô hấp trong cơ thể luôn khỏe.

Ngoài ra, luyện tập giúp người bệnh ung thư phổi giảm mệt mỏi, giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, tăng sức bền cho bệnh nhân.

Trên thực tế khi luyện tập thể dục nhịp thở sẽ hoạt động mạnh hơn giúp tăng dung tích phổi. Người bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển có dung tích phổi tốt hơn thì nguy cơ tử vong thấp hơn. Người mắc ung thư đã di căn xương hoặc được chăm sóc giảm nhẹ tập thể dục cũng giảm các triệu chứng.

NHỮNG DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỆNH UNG THƯ PHỔI BẠN CẦN LƯU Ý

Luyện tập giúp người bệnh ung thư phổi giảm mệt mỏi, giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị.

Tập thể dục còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi cho những người hút thuốc hiện tại và trước đó. Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường xuyên tập thể dục, ít có khả năng phát triển ung thư phổi so với những người ít tập thể dục. Nam giới và phụ nữ tham gia vào các hoạt động thể dục sẽ giảm ung thư phổi, đặc biệt là những người có chỉ số khối cơ thể thấp hoặc trung bình và người hút thuốc lá, ngay cả khi bệnh xảy ra cũng sẽ làm giảm nguy cơ tử vong.

Chính vì lẽ đó các khuyến cáo cho thấy nên tập luyện thể dục thường xuyên vì có lợi trước, trong và sau khi mắc bệnh ung thư. Khi hoạt động thể chất được duy trì đều đặn và đầy đủ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển căn bệnh này.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh ung thư phổi

2.1 Tập thở

Bài tập này áp dụng với tư thế nằm và ngồi. Với 2 tư thế này, người bệnh nên chọn tư thế thoải mái để thực hiện:

– Người bệnh hít vào chậm 3-6 giây, đều qua mũi sao cho bụng có cảm giác phình lên tối đa và lồng ngực không di chuyển.

– Sau đó, hóp bụng lại dần theo nhịp thở ra, thở chậm qua miệng với thời gian thở gấp đôi thời gian hít vào và bụng có cảm giác lõm xuống. Khi thở ra thì bụng sẽ xẹp lại giúp cho cơ hoành được đẩy lên và đào thải để lượng khí cặn một cách tối đa.

2.2 Tập giãn căng ngực

Bài tập giãn căng ngực phù hợp cho người bệnh ung thư ở nhiều giai đoạn, giúp máu và oxy đến cơ bắp đều đặn hơn, tăng lượng không khí cho phổi. Bài tập giãn cơ còn làm giảm căng cơ do xạ trị và mô sẹo sau phẫu thuật.

Với bài tập giãn căng ngực, người tập ngồi hoặc đứng thẳng:

– Từ từ đưa cánh tay ra phía sau lưng, đan các ngón tay lại với nhau.

– Duỗi thẳng cánh tay và kéo căng về phía trước. Khi cảm thấy ngực ở trạng thái căng nhất thì dừng lại, giữ trong 10-30 giây và trở về tư thế ban đầu.

– Người tập cần kết hợp với hít thở sâu ổn định và thư giãn.

Ngoài ra, người bệnh đi bộ quanh nhà, thực hiện bài tập nhịp điệu nhẹ nhàng nhằm cải thiện mức năng lượng thấp do các triệu chứng hoặc điều trị gây ra.

7 bài tập giãn cơ cho dân văn phòng

Tập giãn căng ngực.

2.3 Bài tập thể lực

Rèn luyện thể lực có thể sử dụng nâng tạ, đẩy tạ, kéo dây kháng lực đàn hồi… góp phần chống mệt mỏi, xây dựng cơ lưng, giúp xương chắc khỏe hơn và giữ thăng bằng. Các hoạt động này nhằm tăng cường khối cơ và sức mạnh, thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn.

Người bệnh ung thư phổi giai đoạn một, hai hoặc ba và đã điều trị (phẫu thuật, hóa xạ trị) có thể thực hiện các bài tập này ba ngày một tuần.

2.4 Tập yoga và thái cực quyền

Với các bài tập yoga hay thái cực quyền có các bài tập kết hợp thở, giãn cơ… Tập hai bộ môn này mỗi ngày giảm mệt mỏi, phổi và tim hoạt động tốt hơn. Tập yoga khoảng một giờ có thể tăng cường sức bền, thể chất và cải thiện sức khỏe tinh thần ở người bệnh ung thư phổi nặng đã hóa xạ trị.

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người ung thư phổi

Đối với bệnh nhân ung thư phổi tập thể dục có thể trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi tập luyện các bác sĩ sẽ giúp người bệnh biết nên tập như thế nào cho phù hợp. Việc thiết kế các bài tập phù hợp có thể giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, giảm mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ liên quan đến các phương pháp điều trị.

Thông thường người bệnh ung thư phổi được khuyến nghị tập 150 phút mỗi tuần, nhưng cần bắt đầu từ mức độ nhẹ rồi mới nâng dần lên. Tập thể dục ít nhất 2 ngày mỗi tuần. Nên bắt đầu bằng các buổi tập ngắn, mỗi buổi khoảng 10 phút ở bất cứ nơi nào cảm thấy thuận tiện mà không cần phải tới phòng tập. Trong quá trình tập luyện thấy mệt mỏi thì dừng ngay, không tập quá sức so với thể lực.

Tập thể dục cường độ thấp như đi bộ là cách an toàn để bắt đầu. Có thể đi bộ xung quanh một căn phòng trong nhà, nghỉ ngơi và sau đó đi bộ lại.

Khi người bệnh khỏe hơn, thấy tự tin hơn thì cố gắng tăng khoảng cách từ từ, thực hiện nhiều lần trong ngày, sau đó, có thể tăng cường độ tập luyện.

Mời bạn xem thêm video:

Làm sao để phát hiện sớm ung thư gan? | SKĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *