Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), có khoảng 1.112.000 ca ung thư tuyến tiền liệt mới mỗi năm, chiếm 7,9% tổng số ung thư các loại. Ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 2 sau ung thư phổi và chiếm 15% tổng số các ung thư ở nam giới.

Ăn uống đầy đủ, tập trung vào lối sống lành mạnh là điều quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Chăm sóc bản thân tốt giúp bệnh nhân đối phó tốt hơn với mọi thử thách về cảm xúc cũng như thể chất, đồng thời giữ cho tâm trí, cơ thể người bệnh mạnh mẽ, kiên cường đối phó với bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

1. Chế độ ăn uống quan trọng như thế nào với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt?

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, điều này đặc biệt đúng đối với những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong đó có ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù không có một chế độ ăn kiêng có khả năng chữa bệnh tuyến tiền liệt nhưng việc tập trung vào các chất dinh dưỡng cụ thể có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân theo nhiều cách:

  • Hỗ trợ sức khỏe tổng thể: Dinh dưỡng tốt giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và giúp kiểm soát các tác dụng phụ của việc điều trị.
  • Duy trì khối lượng cơ bắp: Protein rất cần thiết cho sức khỏe cơ bắp, rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nhất là khi tình trạng mất cơ xảy ra.
  • Giảm viêm: Một số lựa chọn chế độ ăn uống nhất định giúp kiểm soát tình trạng viêm, có khả năng hỗ trợ trong cuộc chiến chống ung thư.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh, cải thiện tiên lượng bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Duy trì cân nặng khỏe mạnh đối với một số nam giới, điều này có nghĩa là tránh giảm cân bằng cách nạp đủ lượng calo hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt- Ảnh 1.

Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh.

Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng mức năng lượng, tạo điều kiện phục hồi, tăng cường hệ thống miễn dịch. Kiểm soát cân nặng và chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm vitamin, khoáng chất, nhiều chất xơ, ít đường, đủ nước là mục tiêu qua trọng cần có trước khi bắt đầu điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Điều này cho phép cơ thể có các chất dinh dưỡng cần thiết có thể có lợi trong quá trình điều trị.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt dễ ảnh hưởng đến sự thèm ăn, thói quen ăn uống và cân nặng của bệnh nhân, do đó bệnh nhân phải duy trì cân nặng khỏe mạnh, cần nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu và cố gắng duy trì hoạt động thể chất.

Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có nhu cầu dinh dưỡng tương tự như đa số mọi người nói chung, nhưng việc tập trung vào một số chất dinh dưỡng thiết yếu có thể đặc biệt có lợi. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng quan trọng:

Protein: Protein rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ bắp, hỗ trợ sức khỏe tổng thể trong quá trình điều trị ung thư. Protein góp phần quan trọng trong một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt vì protein giúp cơ thể sửa chữa các tế bào và mô. Protein cũng giúp hệ thống miễn dịch phục hồi sau bệnh tật. Bệnh nhân nên nhận đủ protein từ các thực phẩm như cá, lòng trắng trứng, thịt gia cầm, phô mai, đậu, đậu lăng, đậu phụ, hoặc sinh tố giàu protein…

Chất béo lành mạnh: Trong khi người bệnh ung thư tuyến tiền liệt cần hạn chế chất béo không lành mạnh, hãy bổ sung chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống để cân bằng sức khỏe tế bào và hormone.

  • Chọn nguồn giàu acid béo omega-3 như cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu), hạt lanh, quả óc chó, hạt hướng dương.
  • Cần hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có trong thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán.
Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt- Ảnh 2.

Nguồn protein và chất béo lành mạnh người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên tiêu thụ thường xuyên.

Chất xơ: Chất xơ giúp tiêu hóa và đóng vai trò giảm viêm. Chế độ ăn nhiều chất xơ có tác dụng làm giảm nồng độ hormone có liên quan đến sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ, ít chất béo chỉ được thực hiện trong 10 ngày đã dẫn đến những thay đổi trong huyết thanh làm giảm sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.

Để nhận được đủ chất xơ, người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên ăn nhiều trái cây (ăn cả quả hoặc cắt miếng, hạn chế uống nước ép vì sẽ bị mất đi lượng chất xơ cần thiết), rau, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, quinoa và bánh mì nguyên hạt.

Vitamin và khoáng chất: Người bệnh nên cố gắng hấp thụ vitamin, khoáng chất từ các nguồn thực phẩm bằng cách ăn một chế độ ăn nhiều rau củ quả đa dạng màu sắc và kết cấu, tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, thay vì dựa vào các chất bổ sung.

Vitamin D: Có thể giúp xương chắc khỏe và chức năng miễn dịch. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt nên tiêu thụ lượng vitamin D vừa đủ (>30ng/ml). Ví dụ, nguồn canxi từ thực vật bao gồm các loại rau lá xanh đậm, đậu nành, hạnh nhân. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin D thích hợp.

Vitamin E: Vitamin E là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Một số nghiên cứu cho thấy vitamin E có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng các loại vitamin nhóm B như B6, B9, B12 có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của các vitamin nhóm B trong việc phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Canxi: Canxi là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Bệnh nhân sau điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú và tuyến tiền liệt có nguy cơ cao bị loãng xương do thiếu canxi. Nguyên nhân là do tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và liệu pháp nội tiết có thể ảnh hưởng đến mật độ xương, dẫn đến loãng xương.

Một số loại thuốc ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Nhưng hấp thụ quá nhiều lại gây phản tác dụng. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt nên tiêu thụ 1.000-1.200mg canxi mỗi ngày.

Sắt: Trong quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt, một số phương pháp như hóa trị, xạ trị sẽ khiến cơ thể bị thiếu sắt. Một số loại thuốc ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Bệnh nhân nên hỏi bác sĩ chăm sóc về việc tối đa hóa sự hấp thụ sắt và tiêu thụ đủ chất sắt.

Nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào. Một số loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư có thể tương tác với vitamin và chất bổ sung. Trước tiên hãy chọn thực phẩm làm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chính.

Uống đủ nước: Uống nhiều nước là điều cần thiết cho sức khỏe tổng thể, gúp giảm các tác dụng phụ như táo bón. Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và liệu pháp nội tiết thường gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến vị giác, khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi uống nước lọc. Do đó bệnh nhân nên uống nhiều chất lỏng hơn như súp, trà, sữa hoặc các sản phẩm thay thế sữa, đồ uống thể thao hoặc tạo hương vị cho nước bằng cách thêm trái cây tươi cắt miếng.

3. Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên ăn và nên tránh những gì?

Chỉ một vài thay đổi đơn giản trong thói quen ăn uống hàng ngày giúp hỗ trợ cuộc sống lành mạnh hơn khi điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt, thậm chí làm giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những khuyến nghị này cũng áp dụng để duy trì sức khỏe tổng thể cho cả gia đình người bệnh.

3.1. Những loại thực phẩm người bệnh ung thư tuyến tiền liệt nên ăn

Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh làm giảm nguy cơ tái phát bệnh và giúp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt kéo dài sự sống. Theo nhiều chuyên gia, các loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt cũng chính là những loại bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt tái phát.

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều rau làm giảm nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt, giúp cải thiện triển vọng cho nam giới mắc bệnh này và giảm nguy cơ tái phát ung thư. Các chuyên gia cho rằng, việc chủ động ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đã cho thấy ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tuyến tiền liệt và hỗ trợ quá trình điều trị ung thư tổng thể.

Chế độ dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt- Ảnh 4.

Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Các chuyên gia gợi ý mọi người nên tham khảo chế độ ăn uống và sinh hoạt dành cho nam giới (MEAL). Chế độ ăn MEAL được quan sát trong một nghiên cứu quan trọng về ung thư tuyến tiền liệt với các gợi ý về thực đơn, bao gồm:

– 2 phần rau họ cải mỗi ngày: cải Brussels, bông cải xanh, cải xoăn, cải chíp, củ cải và súp lơ trắng rất giàu isothiocyanates có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.

– 2 phần ăn cà chua mỗi ngày: cà chua có chứa chất chống oxy hóa lycopene – là chất giúp bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ thể loại bỏ các gốc tự do (nguyên tử không ổn định) làm gián đoạn chức năng tế bào khỏe mạnh.

Kết hợp cà chua nấu chín (tốt nhất là nấu với dầu ô liu) và các loại rau họ cải (như bông cải xanh, súp lơ trắng) vào nhiều bữa ăn hàng tuần.

– 1-2 phần ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày: Điều này có thể bao gồm bột yến mạch giàu chất xơ, gạo lứt, quinoa, lúa mạch.

– 1 hoặc nhiều khẩu phần đậu mỗi ngày: Các loại đậu ít chất béo và giàu protein bao gồm đậu xanh, đậu nành, đậu lăng, đậu phộng.

– Ít nhất 1 hoặc nhiều khẩu phần trái cây, rau quả giàu carotenoid mỗi ngày: Nhóm chất chống oxy hóa quan trọng này được tìm thấy với số lượng lớn trong cam, dưa đỏ, cà rốt, khoai lang và các loại rau lá sẫm màu.

– Mỗi ngày, chế độ ăn MEAL chỉ cho phép ăn không quá:

  • 60g thịt chế biến
  • 60-90g thịt đỏ
  • Một thìa bơ
  • 2 lòng đỏ trứng
  • Một cốc sữa nguyên chất

Người bệnh ung thư tuyến tiền liệt cố gắng giữ lượng chất béo và protein nhận được từ thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa ở mức tối thiểu. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng việc tiêu thụ chất béo bão hòa có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn. Tiêu thụ sữa nguyên chất có liên quan đến việc tăng nguy cơ tiến triển ung thư tuyến tiền liệt.

Tránh các loại thịt chế biến sẵn có chứa nitrat và thịt nướng cháy, được chứng minh là có đặc tính thúc đẩy ung thư. Thay vào đó, hãy chọn cá, thịt gia cầm nạc và protein từ thực vật như các loại hạt, đậu. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bản thân.

3.2. Thực phẩm người bệnh ung thư tuyến tiền liệt cần hạn chế hoặc tránh

Theo ThS.BS. Nguyễn Trần Thành, Phó trưởng Khoa Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện 19-8
Chế độ ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều chất béo động vật, thịt đỏ, đường và thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Cắt bỏ hoặc giảm hoặc loại bỏ các món sau khỏi chế độ ăn uống cũng giúp tăng cường sức khỏe tuyến tiền liệt và giảm nguy cơ ung thư tiến triển hoặc tái phát:

  • Nước ngọt, nước trái cây có đường.
  • Thực phẩm có thêm đường.
  • Thực phẩm chế biến.
  • Bột mì tinh chế.
  • Rượu bia.
  • Sản phẩm thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.

Khi mắc ung thư tuyến tiền liệt, người bệnh nên tuân thủ lối sống lành mạnh. Hãy năng động nhất có thể, chẳng hạn như đi bộ hàng ngày.

Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên trong ngày để đảm bảo cơ thể nhận đủ calo, protein và chất dinh dưỡng để chịu đựng việc điều trị. Bữa ăn nhỏ hơn cũng có thể giúp giảm tác dụng phụ liên quan đến điều trị như buồn nôn.

Thực hành tốt an toàn thực phẩm. Rửa tay thường xuyên trong khi chuẩn bị thức ăn. Sử dụng các loại dao thớt khác nhau cho thịt sống và rau sống. Hãy đảm bảo nấu tất cả các loại thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp và làm lạnh thức ăn thừa ngay lập tức.

Hãy quan sát những thay đổi trong thói quen đại tiện. Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt thường dẫn đến thay đổi thói quen đại tiện bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi. Khi nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đại tiện phải trao đổi với bác sĩ ngay.

Xem thêm:

5 điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt để chủ động phòng ngừa và điều trị5 điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt để chủ động phòng ngừa và điều trị

SKĐS – Nam giới có thể được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào một thời điểm nào đó trong đời. Vì vậy nam giới nên biết 5 điều về ung thư tuyến tiền liệt để chủ động trong việc phòng ngừa hoặc điều trị ung thư tuyến tiền liệt.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *