Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác dân số và phát triển trên các phương tiện thông tin đại chúng do Chi cục Dân số Hà Nội tổ chức ngày 18/6.
Tại hội nghị, ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã tập trung ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.
Cụ thể, dự kiến tính đến hết tháng 6/2024, số sinh con thứ 3 trở lên là 2.950 trẻ (đạt 6,6%), giảm 155 so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ ước đạt 79% (tăng 18,6%). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 82% (tăng 5%).
6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn trên địa bàn Hà Nội đạt 63% (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024). Số người mới áp dụng biện pháp tránh thai là gần 417 nghìn người (đạt 103,2% kế hoạch năm 2024).
Để tăng tỷ lệ khám sức khoẻ tiền hôn nhân, trong năm 2024, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật hôn nhân và gia đình. Tầm soát, khám sàng lọc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên tại cộng đồng…
Zây dựng và triển khai mô hình điểm về tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm nhằm phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững, từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Trước đó, năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố Hà Nội là 31,9%. Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố Hà Nội là 50%. Chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2024 là 65%.
Các chuyên gia khuyến cáo, cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn. Khám sức khỏe tiền hôn nhân, bao gồm khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan vi rút, các bệnh lây qua đường tình dục); siêu âm ổ bụng…