Chiều 18/6, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não.
94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người cho sống
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thực hiện hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế về đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc cũng như triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não.
TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác.
“Ở Việt Nam, có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công và được cứu sống nhờ sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái. Tới đây, bệnh viện sẽ thành lập ban tư vấn liên quan đến hiến tặng mô, tạng để tăng cơ hội cứu được nhiều người bệnh nặng đang chờ ghép”- TS Thường nói.
Tại chương trình, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp.
Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tuỵ và ruột.
“Việt Nam là nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á. Chúng ta cũng là nước ASEAN duy nhất ghép được hơn 1.000 ca mỗi năm. Thế nhưng, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới”, PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ở nước ta 94% nguồn tạng hiến từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo các chuyên gia là do tâm lý của nhiều người Việt Nam cho rằng người chết cần phải toàn thây, sự hiểu biết về ghép tạng trong cộng đồng chưa cao. Cùng với đó, việc tuyên truyền của các đơn vị đầu mối, trong đó có vai trò của các bệnh viện và hội vận động hiến ghép chưa được thực hiện đủ để đáp ứng tuyên truyền thông tin rộng khắp đến người dân, thông tin còn thiếu sự lan tỏa.
Cần khoảng 600 bệnh viện có nguồn các ca chết não “tiềm năng” tham gia mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta vào tháng 5/ 2010 tại Bệnh viện Việt Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Riêng năm 2023 có 16 ca chết não hiến tạng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca chết não hiến tạng.
Dù số ca chết não hiến tạng ở nước ta đã tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng.
Hiện mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện, trong đó có 24 bệnh viện ở miền Bắc, 29 bệnh viện ở miền Nam, còn lại ở miền Trung. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết thêm, Malaysia có 34 triệu dân nhưng có đến 156 bệnh viện tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng.
“Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng mạng lưới các bệnh viện tổ chức đăng ký hiến tặng mô, tạng và vận động hiến tặng mô, tạng với những trường hợp chết não, phấn đấu làm sao mở rộng càng nhiều càng tốt, để nâng số người đăng ký hiến tặng mô tạng và vận động người cho chết não”- PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho rằng, khi đạt đến khoảng 600 bệnh viện có nguồn các ca chết não “tiềm năng” tham gia mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng sẽ giúp các cơ sở y tế có nguồn tạng ghép cho người bệnh.
Theo chuyên gia này để làm được điều đó cần phải tổ chức đào tạo, tập huấn cho chính nhân viên y tế trong bệnh viện. Khi nhân viên y tế hiểu đúng về khái niệm chết não, chết tim; thậm chí phát hiện chết não “tiềm năng” họ chắc chắn là cầu nối giữa gia đình người bệnh đến với các cơ sở cấy ghép mô, tạng.
Tại hội thảo xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng chi phí ghép tạng hiện nay vượt mức chi trả của nhiều gia đình bệnh nhân, nhất là với người bệnh nghèo.
Do đó, các chuyên gia đề xuất cần có chính sách chi trả BHYT nhiều hơn để tăng số người được tiếp cận với kỹ thuật ghép tạng, kéo dài sự sống…