Cùng dự buổi tiếp với Bộ trưởng Đào Hồng Lan có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục, Viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Về phía Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam có bà Katrine Riisgaard Pedersen – Tham tán Y tế và các cán bộ của Đại sứ quán.
Phát biểu tại buổi tiếp Đại sứ Đan Mạch, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Đan Mạch, ngài Đại sứ cũng như Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ ngành y tế Việt Nam thời gian qua.
Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi và thảo luận về công tác chuẩn bị cho giai đoạn III của Dự án Hợp tác Chiến lược ngành (SSC) giữa hai Bộ Y tế gồm thời gian thực hiện dự kiến, đề xuất mục tiêu và các nội dung hợp tác trọng tâm của giai đoạn III; cập nhật về việc trao đổi liên quan đến giai đoạn III với các cơ quan đối tác hiện tại – Cục Y tế dự phòng và các đối tác tiềm năng mới, khả năng hợp tác với Viện Chiến lược Chính sách Y tế (HSPI) và Viện Vệ sinh dịch tễ TW (NIHE) trong giai đoạn III.
Trước đó, tháng 11/2023, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Nội vụ và Y tế Đan Mạch đã cùng nhau ký Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế (MOU), tập trung vào các lĩnh vực chính như: Tăng cường sức khỏe, dự phòng, chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm; Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Xây dựng năng lực, chuyển giao kiến thức và tăng cường thực hành tốt; Quản lý y tế, chính sách và quản lý dịch vụ y tế, lập kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực y tế; Bao phủ toàn dân về dịch vụ y tế, tài chính và chi tiêu y tế; Tăng cường năng lực ngoại giao y tế toàn cầu; và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm…
Tại buổi tiếp Đại sứ Đan Mạch, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành y tế Việt Nam đã đạt được các chỉ số y tế quan trọng như sự gia tăng tuổi thọ trung bình, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giảm xuống cũng như giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên cũng giống như Đan Mạch, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng và sự thay đổi về nhân khẩu học, sự chuyển đổi sang các bệnh không lây nhiễm và dân số già đòi hỏi sự thích ứng và đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe…
“Sự hợp tác trong lĩnh vực y tế dựa trên sự hiểu biết chung rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu là rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận sức khỏe bình đẳng và giải quyết gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm” – Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ, hợp tác chiến lược ngành (SSC) giữa Việt Nam và Đan Mạch được triển khai từ năm 2017, thí điểm tại tỉnh Thái Bình của Việt Nam về dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Các hoạt động tập trung vào việc dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm, chủ yếu tập trung là bệnh tiểu đường và bệnh tăng huyết áp ở cấp huyện, xã, thôn xóm nhằm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh mạn tính hiệu quả và phù hợp với tình hình địa phương.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị chương trình Hợp tác chiến lược ngành (SSC) thực hiện tổng kết đánh giá kết quả triển khai dự án giai đoạn 1, giai đoạn 2 để đánh giá hiệu quả triển khai dự án về tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý bệnh không lây nhiễm, nhằm cung cấp các bằng chứng về bài học kinh nghiệm cũng như các khoảng trống về mặt chính sách, từ đó có thể nhân rộng mô hình thí điểm.
Đối với các hợp tác trong giai đoạn tiếp theo – giai đoạn III, đề nghị tập trung vào việc hoàn thiện thể chế (bao gồm xây dựng và triển khai chính sách) nhằm hỗ trợ phát triển chăm sóc sức khỏe ban đầu bền vững để tăng cường năng lực trong phòng ngừa, phát hiện và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Đại sứ quán gửi bản đề xuất dự án chi tiết trong đó nêu rõ: lĩnh vực ưu tiên hợp tác, hoạt động hợp tác, thời gian triển khai dự án, tổng kinh phí chi cho dự án, cơ chế thực hiện để từ đó Bộ Y tế có cơ sở xem xét và giao cho 1 đơn vị đầu mối triển khai…
Cùng đó, phía Bộ Y tế đề xuất Đan Mạch hỗ trợ thêm các nội dung về giám sát phòng chống kháng kháng sinh tại cộng đồng.
Đại sứ Nicolai Prytz trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã dành thời gian tiếp đoàn. Đại sứ cũng bày tỏ sự nhất trí cao đối với các biện pháp tăng cường y tế song phương mà Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng như các đơn vị chuyên môn của Bộ đã chia sẻ.
Thông tin về thế mạnh của Đan Mạch trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm, điều trị và quản lý các bệnh mạn tính, sức khỏe kỹ thuật số và phòng ngừa kháng thuốc…, Đại sứ Đan Mạch cho biết: “Ngoài tăng cường hợp tác về phòng chống bệnh không lây nhiễm, chúng tôi sẵn sàng mong muốn hợp tác cùng ngành y tế trên nhiều lĩnh vực khác…”