1. Vai trò của hoạt động thể chất trong điều trị ung thư
Tập thể dục vừa phải, thường xuyên mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bị ung thư. Tùy từng tình trạng sức khỏe cũng như giai đoạn bệnh, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về những hình thức tập luyện an toàn, phù hợp.
Đối với bệnh nhân ung thư khoang miệng, ở những giai đoạn đầu, người bệnh có thể chỉ cảm thấy vướng trong khoang miệng. Tăng tiết nước bọt, đôi khi có máu cũng là biểu hiện sớm của ung thư khoang miệng. Một số trường hợp có triệu chứng nhức đầu lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên, đau lan lên tai.
Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp người bệnh giảm bớt âu lo, phiền muộn, tăng mức năng lượng, hỗ trợ giảm thiểu đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không những thế, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen hoạt động thể chất trong quá trình điều trị ung thư giúp biến đổi môi trường khối u và kích hoạt hoạt động kháng khối u của hệ miễn dịch. Do đó, người bệnh ung thư khoang miệng nói riêng, và người bệnh ung thư nói chung nên xây dựng chế độ luyện tập phù hợp để nâng cao sức khỏe, chống chọi lại căn bệnh ác tính.
2. Người bệnh ung thư khoang miệng nên tập thể dục như thế nào?
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tập thể dục ít hơn bình thường hoặc ở cường độ thấp. Mục tiêu là duy trì hoạt động và phù hợp nhất có thể. Những người rất ít vận động (không hoạt động) trước khi điều trị ung thư có thể cần bắt đầu với hoạt động ngắn, cường độ thấp, chẳng hạn như đi bộ ngắn. Đối với người cao tuổi, sự an toàn và cân bằng là rất quan trọng để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Các hình thức tập luyện mà người bệnh có thể tham khảo như:
– Đi bộ: Đi bộ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người bệnh ung thư. Tác dụng của đi bộ có thể kể đến như giúp cải thiện tâm trạng, giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong người, hỗ trợ tăng sức đề kháng…
– Các bài tập yoga, thiền: Các bài tập yoga có cường độ vừa phải, mang lại hiệu quả thư giãn, giảm lo lắng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Để đảm bảo an toàn, nên tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp, tránh tập sai kỹ thuật có thể dẫn đến chấn thương.
– Khí công: Trong y học Trung Quốc, khí công giúp chữa lành và điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Khí công giúp cải thiện lưu lượng máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, đồng thời hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch. Bởi vậy, đây là một trong những bài tập phù hợp giúp người ốm chóng khỏe.
– Thái cực quyền: Giống như yoga, tập thái cực quyền cũng giúp giảm bớt lo âu và căng thẳng. Những bài tập này có nhịp độ chậm rãi, nhẹ nhàng, phù hợp với cả những người bệnh cao tuổi, giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và độ ổn định của cơ thể.
Sau quá trình điều trị, các tác dụng phụ có thể kéo dài vài tuần khiến người bệnh mệt mỏi. Lúc này bệnh nhân nên nghỉ ngơi cho đến khi sức khỏe ổn định. Lúc này có thể từ từ quay trở lại luyện tập, dần dần tăng thời gian và cường độ luyện tập.
Đối với những người bệnh đã chiến thắng căn bệnh ung thư, hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nó thậm chí có thể giúp một số người sống lâu hơn. Có một số bằng chứng cho thấy việc có và giữ một mức cân nặng ổn định, ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thứ hai cũng như các bệnh mạn tính nghiêm trọng khác.
Do đó, mỗi người hãy:
- Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.
- Tránh tình trạng thiếu hoạt động và trở lại hoạt động hàng ngày bình thường càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán.
- Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Tập thể dục ít nhất 2 ngày mỗi tuần.
3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh ung thư khoang miệng
Trong những giai đoạn sức khỏe không ổn định, người bệnh trải qua các triệu chứng đau đớn, mệt mỏi hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc, cần nghỉ ngơi, chú ý dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Khi sức khỏe cho phép, người bệnh ung thư khoang miệng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và bắt đầu vận động.
Nếu có thể, nên tập luyện ở những nơi có không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Tùy từng thời điểm trong năm mà lựa chọn thời gian tập luyện phù hợp. Ví dụ, vào mùa hè, có thể tập buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh thời gian nắng nóng cao điểm. Vào mùa đông, nên tập luyện muộn hơn, khi có ánh nắng nhẹ nhàng.
Ngoài ra, cần lưu ý:
– Khởi động kỹ trước khi tập luyện, luôn bắt đầu từ từ, tập với cường độ thấp và tăng dần theo thời gian. Các động tác yoga nên tập luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
– Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện.
– Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh).
– Tránh các động tác có cường độ cao, đột ngột. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện bất kỳ môn thể dục thể thao nào.
– Việc tập luyện luôn phải đi đôi với chế độ ăn, chế độ sinh hoạt hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.