Gan đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe bằng cách thực hiện hơn 500 chức năng thiết yếu. Gan giúp làm sạch máu bằng cách loại bỏ các hóa chất độc hại, phân hủy thuốc, tạo ra các protein quan trọng và sản xuất mật để giúp tiêu hóa thức ăn. Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên những thực phẩm tự nhiên thải độc gan là một cách duy trì sức khỏe gan.
Mặc dù các phương pháp điều trị y tế là cần thiết trong nhiều trường hợp bệnh lý nhưng ngày càng có nhiều người quan tâm đến các biện pháp tự nhiên, đặc biệt là sử dụng thảo dược để hỗ trợ chức năng gan.
Củ nghệ, cây kế sữa, atisô và rễ bồ công anh từ lâu đã được đánh giá cao trong y học cổ truyền vì những lợi ích tiềm năng cho gan. Cùng tìm hiểu vai trò của 4 loại thảo mộc này trong việc hỗ trợ chức năng gan và tăng cường sức khỏe gan.
1. Cây kế sữa giúp thải độc gan
Cây kế sữa có tên khoa học là Silybum marianum, là một loại thảo dược truyền thống được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe gan. Hợp chất hoạt động chính trong cây kế sữa là silymarin, một hỗn hợp các flavonolignan có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống lại vi khuẩn. Silymarin được cho là hỗ trợ chức năng gan bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa, thúc đẩy tái tạo tế bào gan, cung cấp hàng rào bảo vệ chống lại các chất có hại cho gan.
Hàng nghìn năm qua, cây kế sữa đã được sử dụng rộng rãi ở châu Âu như một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh gan. Cây không chỉ có tác dụng bảo vệ gan mà còn góp phần duy trì chức năng gan trong quá trình điều trị các bệnh lý như viêm gan, xơ gan, tổn thương gan do uống quá nhiều rượu bia…
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tác dụng bảo vệ gan của cây kế sữa. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng silymarin có thể hỗ trợ làm chậm sự tiến triển của các bệnh về gan như viêm gan do rượu, xơ gan và gan nhiễm mỡ không do rượu. Hơn nữa, nó có thể tăng cường quá trình giải độc, tăng cường khả năng xử lý và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể của gan.
2. Nghệ có tác dụng hỗ trợ trị viêm gan
Đặc tính tăng cường sức khỏe trung tâm của củ nghệ là chất curcumin, một hợp chất hoạt tính sinh học được biết đến với khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Curcumin hoạt động hiệu quả để chống lại stress oxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do và điều chỉnh các con đường phân tử khác nhau liên quan đến chứng viêm, mang lại khả năng bảo vệ rộng rãi cho cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy chất curcumin quản lý hiệu quả các bệnh về gan bằng cách giảm viêm, chống lại stress oxy hóa và thúc đẩy tái tạo tế bào gan. Vì vậy, chất curcumin được đánh giá cao trong phương pháp phòng ngừa và kết hợp với các phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng lạm dụng tinh bột nghệ có thể gây hại cho gan, đặc biệt là ở những người đã mắc bệnh gan. Do đó, mọi người cần thận trọng khi tiêu thụ các sản phẩm từ nghệ đã qua xử lý do hàm lượng curcumin có thể vượt ngưỡng. Tốt nhất, không sử dụng nhiều nghệ nếu bạn có vấn đề về gan hoặc hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ.
3. Rễ bồ công anh hỗ trợ thải độc gan
Rễ cây bồ công anh đã được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe gan trong hàng trăm năm. Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây bồ công anh đã được sử dụng để tăng cường chức năng gan và tăng cường quá trình giải độc của cơ thể.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bồ công anh rất giàu vitamin A, C, K và các khoáng chất như sắt, kali, kẽm cần thiết để duy trì sức khỏe và hoạt động của gan. Rễ và lá bồ công anh có tác dụng lợi tiểu, giúp loại bỏ độc tố hiệu quả hơn. Bằng cách tăng sản xuất nước tiểu, bồ công anh giúp làm sạch gan và túi mật, thúc đẩy quá trình loại bỏ chất độc tích lũy và chất thải.
Theo Michael Brown, một bác sĩ trị liệu tự nhiên có trụ sở tại Thành phố Kansas (Hoa Kỳ), cây bồ công anh (cả rễ và lá đều được dùng) được biết đến là một loại cây có vị đắng và có các công dụng của vị thuốc đắng như bồi bổ chức năng tiêu hóa cho những người ăn quá nhiều, tiêu hóa kém, hay bị đầy hơi, chướng bụng sau ăn. Bồ công anh không chỉ giúp tăng cường khả năng trao đổi chất và giải độc của gan mà còn có tác dụng bảo vệ thận và là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên vượt trội.
4. Atisô hỗ trợ tiêu hóa và thải độc
Atisô chứa các hợp chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là cynarin và silymarin, có khả năng bảo vệ gan. Các hợp chất này được cho là có tác dụng thúc đẩy sản xuất mật, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc.
Nghiên cứu về chiết xuất atisô cho thấy nó có thể cải thiện chức năng gan bằng cách bảo vệ tế bào gan và tăng cường quá trình giải độc, dẫn đến mức AST và ALT thấp hơn. (AST và ALT là những chỉ số giúp phản ánh tình trạng tổn thương gan).
Theo lương y Minh Phúc, atisô là một loại thảo dược có tác dụng giải độc gan, khá phù hợp để sử dụng cho các đối tượng gan phải hoạt động nhiều, rối loạn lipid máu, vàng da, viêm thận, xơ vữa động mạch, người hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị viêm loét dạ dày, tá tràng…
5. Lưu ý đặc biệt khi dùng thảo mộc để thải độc gan, tăng cường chức năng gan
Việc kết hợp các loại thảo mộc như nghệ, cây kế sữa, atisô và rễ bồ công anh có thể hỗ trợ đáng kể sức khỏe gan. Tuy nhiên, không phải cứ dùng nhiều, dùng hằng ngày, liên tục trong thời gian dài, dùng nhiều loại thảo mộc khác nhau để thải độc gan, vì có thể bị tác dụng ngược. Điều cần thiết là phải hiểu liều lượng và hình thức thích hợp cũng như bất kỳ tương tác tiềm ẩn nào mà chúng có thể mang lại.
Cây kế sữa có thể tương tác với một số loại thuốc do ảnh hưởng của nó đến chức năng gan. Nếu bạn đang dùng thuốc chống loạn thần, thuốc chống động kinh, thuốc gây mê, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cây kế sữa. Hơn nữa, vì cây kế sữa có thể ảnh hưởng đến cách gan chuyển hóa thuốc, nên hãy thận trọng nếu bạn đang dùng thuốc dị ứng, điều trị cholesterol, thuốc chống lo âu, thuốc làm loãng máu, một số phương pháp điều trị ung thư hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác được gan xử lý.
Curcumin có thể làm loãng máu và làm tăng cường tác dụng của thuốc làm loãng máu. Ngoài ra, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc làm giảm acid dạ dày vì uống nhiều nghệ có thể ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc này.
Atisô có thể ảnh hưởng đến tốc độ xử lý của gan đối với một số loại thuốc, làm thay đổi tác dụng của chúng. Những người đang điều trị bệnh đái tháo đường hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp nên theo dõi chặt chẽ huyết áp và điều chỉnh liều lượng phù hợp. Các tác dụng phụ có thể bao gồm các vấn đề về tiêu hóa và những người bị tắc nghẽn ống mật hoặc dị ứng với họ thực vật Asteraceae/Compositae (thuộc bộ Cúc hoặc bộ Hướng dương) nên thận trọng.
Rễ cây bồ công anh có khả năng làm thay đổi tốc độ xử lý của gan đối với một số loại thuốc, điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tổng thể của chúng. Đối với những người bị rối loạn chảy máu, dị ứng với các loại cây liên quan đến cỏ phấn hương hoặc những người dự định phẫu thuật phải thận trọng khi tiếp cận việc sử dụng bồ công anh do nguy cơ tăng chảy máu, phản ứng dị ứng hoặc tương tác với các loại thuốc khác. Ngoài ra, bồ công anh có thể gây trở ngại cho thuốc trị đái tháo đường và một số loại kháng sinh.
Bài viết cung cấp cho bạn đọc những thông tin tham khảo về giá trị của một số loại thảo dược có lợi cho gan.
Tuy nhiên, việc sử dụng bất cứ loại chất bổ sung nào, kể cả các loại thảo mộc tự nhiên thường được cho là an toàn, cũng tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe nếu dùng dài ngày hoặc với liều lượng lớn hay không có sự theo dõi những phản ứng của cơ thể. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải có sự tham vấn của chuyên gia y tế, lương y được chứng nhận khi thêm bất cứ thứ gì vào chế độ hàng ngày của bạn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo: Gặp họa do thải độc gan theo quảng cáo.