1. Các bộ phận dùng làm thuốc của cây vải
Vải còn có tên gọi khác là lệ chi; co caai, mak cai (Thái); mak chỉa (Tày) và có tên khoa học là Litchi sinensis Radelk., thuộc họ Bồ hòn – Sapindaceae. Vải được trồng để lấy quả ăn và làm thuốc.
– Quả vải: Vị ngọt, chua, tính mát; quy kinh tỳ, phế; có tác dụng kiện tỳ, bớt bốc nóng, nhẹ đầu óc. Chủ trị: Tỳ hư, phế háo.
– Hạt vải: Vị ngọt, chát, tính ấm; quy kinh can, thận; có tác dụng lý khí, chỉ thống, ôn trung, sáp tràng. Chủ trị đau bụng kinh, sán khí, đau tinh hoàn.
– Vỏ cây vải (bỏ lớp sần bên ngoài): Vị chát, đắng, quy kinh vị, tràng có tác dụng thu liễm, cố sáp, chỉ tả; chủ trị bệnh tiêu chảy.
2. Bài thuốc từ hạt vải
Chữa đau bụng kinh hoặc đau bụng sau đẻ:
Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ sao 40g. Tán bột mịn, uống 8g/lần với nước muối nhạt hoặc nước cơm, ngày 2-3 lần.
Chữa đau sưng tinh hoàn:
Bài 1: Hạt vải, hồi hương, thanh bì, lượng bằng nhau. Tán bột mịn, uống 8g/lần với rượu, ngày 2-3 lần.
Bài 2: Hạt vải (lệ chi hạch), long đởm thảo, đại hoàng, lượng bằng nhau. Tán bột, uống 8-12g/ngày, chia 03 lần.
Bài 3: Hạt vải, mộc hương, xuyên luyện tử, hồi hương, trầm hương, lượng bằng nhau. Tán bột, uống 8g/lần, ngày 03 lần.
Đau bụng, đau dạ dày hay tái phát do can khí uất kết, can vị bất hoà: Hạt vải (lệ chi hạch), mộc hương, lượng bằng nhau, tán bột, uống.
Hỗ trợ chữa trị và phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường: Hạt vải sấy khô, tán mịn, dùng 10g/lần, 3 lần/ngày trong vòng 3 tháng.
3. Một số bài thuốc khác
Chữa đau răng, sâu răng
Bài 1: Lệ chi (toàn quả vải gồm vỏ, cùi hạt) 01 quả, muối ăn 01 ít. Nhét muối vào quả, đốt thành than, nghiền nhỏ, sát vào răng đau.
Bài 2: Lệ chi, toàn quả vải xanh. Đốt tồn tính, tán nhỏ, sát vào chân răng.
Nấc mãi không khỏi
Lệ chi, toàn quả vải 07 quả. Thiêu tồn tính, uống với nước ấm.
Chữa tiêu chảy
Vỏ cây vải 20g, gạo rang cháy 40g, gừng tươi 8g. Sắc uống.
Lưu ý và kiêng kỵ
Khi sử dụng hạt vải làm thuốc, cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng và cách thức để đạt hiệu quả cao.
Với cùi vải, nếu dùng để ăn thì các trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh đái tháo đường, trẻ em, người mắc bệnh tự miễn dịch… cần chú ý không nên ăn nhiều để tránh làm bệnh nặng thêm.
Mời bạn xem tiếp video:
4 nhóm người không nên ăn quả vải | SKĐS