“Hút kiệt mỡ” – nhu cầu chính đáng hay cần được cân nhắc?
Một số nguyên nhân chính khiến vóc dáng của mẹ bỉm sau sinh bị tích mỡ có thể kể đến như việc thay đổi hormone trong quá trình mang thai ảnh hưởng đến cách cơ thể “trữ” lại lượng mỡ, tăng cân trong thai kỳ do ăn uống và giảm hoạt động thể chất, các yếu tố di truyền hoặc thậm chí là stress và mất ngủ…
Lấy lại vóc dáng không hề dễ dàng ngay cả khi bạn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc cho bản thân. Vì vậy, hút mỡ là giải pháp và quan điểm của nhiều người là tận dụng cơ hội này để hút “kiệt” mỡ ở những vị trí khác nhau trên cơ thể, bởi xuất phát từ mong muốn có một cơ thể hoàn hảo theo suy nghĩ cá nhân hoặc chuẩn mực vẻ đẹp mà xã hội hay truyền thông đề xuất.
“Hút kiệt mỡ” – chìa khóa cho cơ bụng lý tưởng?
Trong hơn 9 năm làm đẹp cho chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh, bác sĩ Châu Thanh Phong có gặp nhiều yêu cầu về việc “hút kiệt mỡ” không?
Tất nhiên là nhiều lắm. Thực ra đây là nhu cầu hoàn toàn bình thường ở chị em bởi phần lớn ai cũng muốn đẹp hơn, có cơ thể “hoàn hảo” – đặc biệt ở thời điểm mà truyền thông và mạng xã hội có xu hướng quảng bá hình ảnh về cơ thể săn chắc và gọn gàng. Điều này tạo ra áp lực đối với chị em phụ nữ, họ mong muốn phải có được ngoại hình tương tự.
Vậy thực tế cơ thể con người có thể “hút kiệt mỡ” không?
Thật ra, mỡ trong cơ thế chúng ta không chỉ là nguồn năng lượng dự trữ mà còn đóng nhiều vai trò quan trọng như bảo vệ cơ quan nội tạng khỏi chấn thương khi va đập hoặc giúp giữ nhiệt và duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định. Ngoài ra, mỡ cũng cần thiết cho việc hấp thụ các vitamin tan trong mỡ, tham gia vào quá trình tổng hợp và giải phóng một số hormone quan trọng, giúp duy trì độ ẩm cho da và tóc…
Thuật ngữ “hút kiệt mỡ” thường được sử dụng để mô tả mục tiêu loại bỏ hầu như tất cả mỡ thừa trong một vùng cụ thể trên cơ thể thông qua phẫu thuật hút mỡ. Tuy nhiên, từ góc độ y khoa, việc “hút kiệt mỡ” không chỉ khó khả thi mà còn không an toàn cho cơ thể.
“Hút kiệt mỡ” – dưới góc nhìn y khoa thế nào, thưa bác sĩ?
Thứ nhất, việc “hút kiệt mỡ” ở một vùng cụ thể trên cơ thể có thể gây tổn thương tới các cấu trúc xung quanh như da, mạch máu và dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến sưng, bầm tím hoặc thậm chí là mất cảm giác ở vùng được điều trị.
Thứ hai là khi lượng mỡ dưới da bị loại bỏ một cách đáng kể, da có thể không đủ khả năng co lại sao cho phù hợp với kích thước mới, gây ra tình trạng chùng nhão và sần sùi. Giải pháp cho việc này là có thể cắt da để tạo hình lại thành bụng.
Thứ ba, trong quá trình chỉnh sửa lại cho nhiều khách hàng đã hút nhiều mỡ trước đó, thành bụng xuất hiện hiện tượng “tổ ong” – được biết đến với thuật ngữ y khoa là “fibrosis” – một biến chứng phổ biến sau khi hút mỡ. Có 2 nguyên nhân chính, một là do việc loại bỏ mỡ thừa không đều tạo ra những vùng lồi lõm không mong muốn, hai là do quá trình hút mỡ gây tổn thương cho các mô dưới da, dẫn đến việc hình thành fibrosis và tạo ra vẻ ngoài “tổ ong”.
Lời khuyên của bác cho các chị em, đặc biệt là chị em sau sinh có lẽ là “không nên hút kiệt mỡ”?
Nếu với cương vị là “một người làm kinh doanh”, làm chiều lòng chị em hoàn toàn không khó. Nhưng là một bác sĩ được học hành và có hơn 9 năm kinh nghiệm trong ngành, bác sĩ không thể và không muốn làm điều này. Bác sĩ luôn cố gắng hướng tới làm đẹp an toàn và lâu dài cho chị em – đặc biệt là các mẹ bỉm, bởi ngoài việc trở nên xinh đẹp và tự tin hơn, thì sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng trên hết, bởi ai cũng có cả gia đình phía sau để chăm sóc và yêu thương.
“Hút kiệt mỡ” không phải là mục tiêu an toàn và không được khuyến khích trong phẫu thuật thẩm mỹ. Việc này có thể dẫn đến các biến chứng như mất cân đối hình thể, tổn thương tới cấu trúc dưới da, và không đảm bảo rằng mỡ không tích tụ lại ở vùng khác của cơ thể nếu không duy trì lối sống lành mạnh, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng. Việc tư vấn kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định thực hiện là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ hy vọng rằng chị em thật cân nhắc trước khi quyết định làm đẹp.
Cảm ơn bác sĩ CKI. Châu Thanh Phong!
PV