ThS.BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Sau độ tuổi 30, lượng hormone trong cơ thể bắt đầu suy giảm một cách tự nhiên và tốc độ sản sinh collagen cũng như elastin thấp hơn.
Đây là một trong những lý do khiến làn da dần để lộ các dấu hiệu lão hóa sớm như xuất hiện quầng thâm dưới mắt, vết chân chim ở đuôi mắt ngày càng rõ, da không còn căng bóng, đàn hồi, có thêm nhiều vết thâm sạm, tàn nhang…
Do đó, việc chăm sóc da đúng cách càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để giữ cho da luôn sáng khỏe, tràn đầy sức sống.
Ngoài các bước làm sạch và dưỡng ẩm cho da, phụ nữ tuổi 30 cần lưu ý:
1. Sử dụng kem chống nắng hàng ngày
Thoa kem chống nắng là bước chăm sóc da vô cùng cần thiết để bảo vệ da trước tác động của ánh nắng và môi trường. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm như nếp nhăn, sạm da, nám dạ. Sử dụng kem chống nắng có thể giúp bạn bảo vệ và duy trì vẻ đẹp vốn có của làn da.
Có 2 loại kem chống nắng là kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý:
– Kem chống nắng vật lý có thành phần chính là zinc oxide và titanium dioxide. Kem chống nắng vật lý là dạng kem chống nắng lành tính và ít gây kích ứng nhất cho da, phù hợp cho nhiều loại da tuy nhiên chất kem dày dễ gây bí da, bít tắc lỗ chân lông đối với da mụn.
– Kem chống nắng hóa học có kết cấu mỏng hơn, không gây bết dính, bít tắc lỗ chân lông, đặc biệt thấm nhanh. Tuy nhiên, các thành phần hóa học có thể gây kích ứng da, đặc biệt các bạn có làn da nhạy cảm.
Tùy vào từng loại da và nhu cầu sử dụng, hãy lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp. Lượng kem chống nắng vừa đủ cho vùng mặt là khoảng 2 hạt đậu. Lưu ý những vùng da thường bị bỏ sót không thoa kem chống nắng như bàn chân, gáy, tai, bàn tay và chân.
2. Tẩy da chết
Mỗi tuần bạn nên tẩy tế bào chết 1-2 lần, loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da, giúp da trông sáng hơn, ngăn ngừa tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, da ít nổi mụn. Bên cạnh đó, tẩy tế bào chết trong thời gian dài có thể làm tăng sản xuất collagen, làm cho làn da tươi sáng, tràn đầy sức sống.
3. Thêm một số thành phần chăm sóc da chống lão hóa
3.1. Vitamin C
Vitamin C đóng một vai trò thiết yếu trong việc sản xuất collagen để duy trì kết cấu, độ đàn hồi của làn da. Ngoài ra, vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ làn da khỏi các gốc tự do gây lão hóa sớm.
Vitamin C đã được chứng minh có thể chống lại tia UVA có hại. Bạn nên sử dụng tinh chất vitamin C vào buổi sáng trước khi thoa kem chống nắng có chứa SPF để tăng thêm hiệu quả chống lại tia UV.
Trước khi sử dụng vitamin C, hãy thử phản ứng trên một vùng da nhỏ để kiểm tra xem da có hợp với thành phần này không. Nếu sau 24 giờ không thấy bất kỳ dấu hiệu kích ứng nào thì có thể sử dụng cho toàn bộ khuôn mặt.
Vitamin C sẽ bị oxy hóa theo thời gian. Vì thế cần bảo quản kỹ, tránh ánh sáng mặt trời, kiểm tra kỹ hạn sử dụng, tình trạng sản phẩm trước khi sử dụng.
3.2. Retinol
Retinol thúc đẩy sản xuất collagen và elastin (quyết định độ đàn hồi, trẻ hoá của da), hỗ trợ trong quá trình điều trị mụn trứng cá, ngăn chặn các đốm nâu, vết nám, tàn nhang hiệu quả. Khi sử dụng retinol đúng cách, các nếp nhăn giảm đi, da mịn màng hơn, độ ẩm và độ đàn hồi được cải thiện đáng kể, da trở nên tươi sáng và căng mịn.
Bạn có thể tham khảo ý kiến chuyên gia da liễu để được tư vấn về liều dùng và cách sử dụng an toàn. Ví dụ, đối với da thường và da hỗn hợp, có thể sử dụng retinol theo trình tự tẩy trang – sữa rửa mặt – toner – serum – retinol – kem dưỡng.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc kết hợp retinol và vitamin C với nhau sẽ gia tăng kết quả điều trị và chăm sóc da, giúp chống lại các gốc tự do, tăng cường sản sinh collagen và làm sáng da.
An toàn nhất chính là sử dụng vitamin C vào buổi sáng, còn retinol vào buổi tối. Nếu dùng đồng thời trong quy trình dưỡng da buổi tối, hãy dùng vitamin C trước, sau đó khoảng 20 phút mới thoa retinol để sản phẩm lần lượt phát huy tác dụng tốt. Đặc biệt khi dùng retinol không được quên kem chống nắng để bảo vệ da.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
6 cách giúp hạn chế nám, sạm da | SKĐS