Phát hiện nhiễm HIV mới tăng trong những năm gần đây
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp, trong 10 năm trở lại đây (2013-2023), trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 397 trường hợp nhiễm HIV mới, trong đó năm 2023 đạt mức cao nhất là 431 trường hợp. Đây là con số được phát hiện tương đối cao so với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung, Hồng Ngự, Châu Thành… có số người nhiễm HIV mới cao nhất tỉnh.
Số người nhiễm HIV có chiều hướng tăng lên này là do được sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, tỉnh đã đẩy mạnh tiến hành mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường, thị trấn, ngoài cộng đồng, thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên…
BS. Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa HIV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu như trước đây, nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm… thì 3 năm nay (2021-2024), hai nhóm này chiếm tỷ lệ thấp. Trong khi đó nhiễm HIV mới ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại tăng cao (trong năm 2021- 2022 chiếm 68%, năm 2023 là 61%).
Tại huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), số người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm MSM từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2024 cũng tăng mạnh, chiếm tới 50% số ca phát hiện. Chiều hướng dịch tập trung vào nhóm MSM, người chuyển giới và bạn tình của họ…
Cụ thể, trong 8 ca nhiễm HIV có 4 ca là MSM, 2 ca là vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV, 1 ca là người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và 1 ca là người có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ mắc HIV/AIDS. Độ tuổi của người nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 16-25.
Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng
Báo cáo của CDC Đồng Tháp cũng cho thấy, năm 2023, tỷ lệ nhiễm HIV theo đường lây truyền chủ yếu là qua quan hệ tình dục chiếm trên 99% (cụ thể: Năm 2020 là 99,1%; năm 2021 là 99%, năm 2022 là 97,8% và năm 2023 là 99,1%). Lây truyền qua đường máu có xu hướng không tăng qua các năm (năm 2023 là 0,7%). Những năm gần đây số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV giảm đáng kể. Trong ba năm (2021- 2023) không phát hiện trường hợp nào cho thấy hiệu quả thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con qua dự án Quỹ Toàn cầu và chương trình mục tiêu Y tế – Dân số.
BS. Nguyễn Ngọc Quý cho biết, hiện diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Tỷ lệ lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, mặc dù có can thiệp bước đầu từ chương trình can thiệp giảm hại. Độ tuổi dần dần trẻ hóa sẽ là nhóm đối tượng chính nhiễm mới HIV ở Đồng Tháp. Bên cạnh đó lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao như vợ/chồng, bạn tình của người nghiện chích ma túy, sẽ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại, xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm.
Một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, do người dân không có đủ kiến thức về phòng chống HIV/AIDS và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư cao, nhưng chưa được xét nghiệm phát hiện địa bàn trọng điểm về dịch HIV/AIDS…