1. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên mà không chú ý bảo vệ da sẽ gây ra nhiều vấn đề về da. Bức xạ cực tím phá vỡ cấu trúc collagen, dẫn đến hình thành nếp nhăn, khiến da lão hóa nhanh hơn so với bình thường.
Không những thế, tia UV làm tổn thương các tế bào da, kích thích tăng sinh sắc tố melanin góp phần gây ra những thay đổi sớm như đốm đồi mồi, rám má, sạm da. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời này cũng làm tăng nguy cơ ung thư da.
Chính bởi vậy, để duy trì vẻ ngoài tươi trẻ, cần bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn và thoa kem chống nắng hàng ngày.
2. Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, chế độ ăn uống nhiều đường hoặc carbohydrate tinh chế trong thời gian dài có thể gây lão hóa sớm. Tiêu thụ quá nhiều đường từ các loại bánh kẹo, nước giải khát… góp phần gây ra mụn trứng cá, cản trở quá trình sản sinh collagen và elastin. Kết quả là làn da ngày càng trở nên chảy xệ, xuất hiện nếp nhăn và già đi trông thấy.
Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế các món đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, các loại thịt chế biến sẵn. Những thực phẩm này thường chứa nhiều muối, chất béo bão hòa khiến da bị mất nước và gây ra phản ứng viêm làm suy yếu lớp collagen.
Để xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho làn da nói riêng và sức khỏe nói chung, bạn nên ưu tiên các loại thực phẩm như rau củ có màu sắc sặc sỡ, trái cây tươi, quả mọng, các loại hạt, cá béo, thịt nạc, các loại đậu…
3. Thiếu ngủ khiến da lão hóa sớm
Thiếu ngủ khiến cho làn da xấu đi trông thấy, biểu hiện ở quầng thâm quanh mắt, da khô, xỉn màu… Việc ngủ không đủ giấc khiến cơ thể sản sinh cortisol, một loại hormone căng thẳng, có thể phá vỡ collagen trong cơ thể. Khi hormone cortisol tăng còn làm tăng tình trạng viêm do mụn, khiến làn da hình thành nếp nhăn sớm, gây lão hóa da.
Thiếu ngủ dẫn đến căng thẳng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng mụn trứng cá tồi tệ hơn do da tăng tiết nhiều bã nhờn. Dù bạn có sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, dưỡng da kỹ và tốt đến mấy, nhưng nếu để tình trạng thiếu ngủ xảy ra và kéo dài thì cũng không mang lại hiệu quả làm đẹp cho làn da.
Do đó, cần ngủ sớm, ngủ đủ, ngủ sâu giấc vừa giúp da đàn hồi tốt, khỏe mạnh hơn, vừa duy trì sức khỏe tổng thể ở trạng thái tốt nhất.
4. Chăm sóc da không phù hợp
Không bổ sung độ ẩm cần thiết, bỏ qua chống nắng hay sử dụng sản phẩm không phù hợp với da… sẽ không mang lại hiệu quả dưỡng da và khiến da ngày càng tệ hơn. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc (kem trộn, kem tẩy trắng…) để tránh những tác động tiêu cực đến làn da.
Để duy trì làn da khỏe mạnh, mỗi người cần có chu trình chăm sóc da phù hợp. Tùy từng tình trạng da, có thể sử dụng các thành phần dưỡng da, chống lão hóa như retinol, vitamin C, peptide, axit hyaluronic (HA)…
5. Căng thẳng kéo dài
Stress là một trong những ‘kẻ thù’ của làn da. Khi căng thẳng, não bộ sẽ tiết ra hormone cortisol để kiểm soát tình trạng này.
Tuy nhiên, việc tăng quá mức cortisol trong thời gian dài sẽ phá vỡ cấu trúc của sợi collagen và elastin. Kết quả là da mất đi độ đàn hồi và khiến các nếp nhăn, vết chân chim xuất hiện nhiều hơn tại trán, khóe mắt.
Bằng những biện pháp như luyện tập thể dục thể thao, tham gia một lớp học thiền, yoga, dành thời gian cho bản thân vào cuối ngày… giúp bạn thư giãn, giảm mệt mỏi. Việc này không chỉ tốt cho da mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
6. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá chủ động và thụ động đều gây ra nhiều tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe và làn da. Khi tiếp xúc với khói thuốc, các chất độc trong nicotine sẽ làm thay đổi các tế bào trong cơ thể. Những chất độc này phá vỡ collagen và sợi đàn hồi trong da, dẫn đến chảy xệ và hình thành nếp nhăn sớm khiến da nhanh lão hóa. Bởi vậy, bằng mọi cách, bạn nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
4 Lợi ích khi đưa massage mặt vào quy trình chăm sóc da | SKĐS