1. Ung thư lưỡi có phải là ung thư miệng không?
- 1. Ung thư lưỡi có phải là ung thư miệng không?
- 2. Ai dễ mắc ung thư lưỡi?
- 3. Hút thuốc lá gây ung thư lưỡi như thế nào?
- 4. Cách virus HPV gây ung thư ở lưỡi
- 5. Vết loét ở lưỡi có phải là dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi không?
- 6. Cách phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng
- 7. Ung thư lưỡi có phòng ngừa được không?
- 8. Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán ung thư lưỡi?
- 9. Ung thư lưỡi có chữa khỏi được không?
- 10. Đông y có chữa được ung thư lưỡi không?
- 11. Khám ung thư lưỡi ở đâu?
- 12. Chi phí khám và điều trị ung thư lưỡi
Khoang miệng là khu vực bao gồm: môi, má, lưỡi, nướu, vòm miệng và sàn miệng. Ung thư có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, nhưng ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư khoang miệng phổ biến nhất.
Theo tài liệu của Bệnh viện K Trung ương, ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy (chiếm >95%) và là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng (chiếm 30-40%). Vài năm gần đây số ca bệnh ung thư lưỡi tại Bệnh viện K ngày càng gia tăng.
2. Ai dễ mắc ung thư lưỡi?
Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư lưỡi bao gồm: Nhiễm virus HPV; hút thuốc, uống rượu, ăn trầu; vệ sinh răng miệng kém (hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư); dinh dưỡng kém (thiếu vitamin A, E, D, sắt…)…
3. Hút thuốc lá gây ung thư lưỡi như thế nào?
Hút thuốc lá nhiều là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư lưỡi. Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư lưỡi cao gấp 20 lần người không hút thuốc.
Nguyên nhân do hóa chất trong khói thuốc lá có thể gây tổn thương DNA trong tế bào lưỡi, dẫn đến đột biến và hình thành các tế bào ung thư. Nguy cơ mắc ung thư lưỡi do hút thuốc lá tăng lên theo thời gian và lượng thuốc lá sử dụng.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác về răng miệng, một số bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư lưỡi. Hút thuốc lá cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm virus HPV, một trong những nguyên nhân quan trọng khác gây ung thư lưỡi.
4. Cách virus HPV gây ung thư ở lưỡi
Virus HPV có thể gây ung thư lưỡi bằng cách xâm nhập vào tế bào da và niêm mạc của lưỡi, sau đó làm thay đổi DNA của tế bào, khiến chúng phát triển không kiểm soát và hình thành khối u.
Quá trình này diễn ra theo các bước: HPV lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc niêm mạc bị nhiễm virus, thường là qua quan hệ tình dục bằng miệng hoặc họng.
Khi virus xâm nhập vào tế bào da hoặc niêm mạc của lưỡi, nó sẽ đưa DNA của chính mình vào nhân tế bào. DNA của HPV tích hợp vào DNA của tế bào lưỡi, gây ra các biến đổi di truyền. Những biến đổi này khiến tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành các tế bào bất thường.
Các tế bào bất thường do HPV gây ra tiếp tục phân chia và phát triển thành khối u, có thể lan rộng sang các mô lân cận và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Không phải tất cả các chủng HPV đều có khả năng gây ung thư. Một số chủng HPV, đặc biệt là HPV 16 và 18, có nguy cơ cao gây ung thư lưỡi và các bệnh ung thư khác ở vùng đầu, cổ.
5. Vết loét ở lưỡi có phải là dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi không?
Các triệu chứng ung thư lưỡi giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua, nhưng vết loét ở lưỡi kéo dài có thể là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi. Người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ.
Giai đoạn toàn phát, người bệnh thường bị đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nuốt. Ở giai đoạn này xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
Giai đoạn tiến triển, thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây đau đớn, gây bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí gây chảy máu trầm trọng…
6. Cách phân biệt ung thư lưỡi và nhiệt miệng
Ở giai đoạn ban đầu thường khó phát hiện bệnh ung thư lưỡi, dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng. Để phân biệt, dựa vào các điểm khác nhau sau đây:
Nhiệt miệng: Vết loét thường có màu trắng hoặc vàng ở trung tâm và bờ màu đỏ. Kích thước thường nhỏ hơn 1cm. Vùng xung quanh vết loét có thể sưng, đỏ, nóng, đau nhưng vẫn mềm mại. Thường không có chảy máu và không có mùi khó chịu.
Ung thư lưỡi: Tổn thương có thể là vết loét, vết trợt, hoặc thậm chí là một u sùi trên lưỡi. Màu sắc thường xen lẫn giữa đỏ, vàng, có khi đen do hoại tử, gây đau hoặc không đau. Xung quanh vết loét, có thể có vùng chai cứng. Thường có mùi hôi, khó chịu.
Ung thư lưỡi gây các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, khó khăn trong việc nhai, nuốt, nói chuyện và cử động lưỡi. Còn nhiệt miệng thường không gây ra các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng. Đôi khi, nhiệt miệng nặng và nhiễm trùng có thể gây sốt nhưng thường khỏi khi được điều trị.
7. Ung thư lưỡi có phòng ngừa được không?
Để phòng ngừa ung thư lưỡi, trước tiên cần chủ động tránh các yếu tố nguy cơ như: Bỏ hút thuốc lá, hạn chế tối đa uống rượu bia, không nên ăn trầu, vệ sinh răng miệng đúng cách, tiêm phòng HPV…
Ngoài ra, cần có lối sống lành mạnh, vận động thường xuyên và duy trì một chế độ ăn uống cân đối, giàu rau xanh và trái cây tươi có thể giúp bảo vệ sức khỏe miệng, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư lưỡi và nhiều loại ung thư khác. Khi có tổn thương trên bề mặt lưỡi 2 tuần không đỡ nên đi khám để loại trừ nguy cơ mắc ung thư.
8. Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán ung thư lưỡi?
Ung thư lưỡi được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng nhưng quan trọng nhất là sinh thiết u để có thể xác định chính xác. Ngoài ra người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp Xquang xương hàm dưới, Xquang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương, PET/CT… để đánh giá tình trạng di căn.
9. Ung thư lưỡi có chữa khỏi được không?
Theo các bác sĩ, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao. Đa số bệnh nhân ung thư lưỡi đi khám và phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi).
Nếu ung thư lưỡi được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công cao. Nếu để muộn, ung thư lưỡi sẽ lan rộng, di căn các vị trí xa hơn như phổi, xương, ảnh hưởng đến chất lượng sống cũng như thời gian sống của người bệnh.
Hiện nay điều trị ung thư lưỡi theo phương pháp đa mô thức (nhiều phương pháp điều trị). Ung thư lưỡi phát hiện ở giai đoạn sớm thì có thể được phẫu thuật tạo hình lại, phục hồi chức năng nói nuốt, quay lại cuộc sống thường nhật. Sau điều trị, tỷ lệ sống từ 5 năm trở lên có thể lên tới 70%.
10. Đông y có chữa được ung thư lưỡi không?
Theo quan điểm của y học hiện đại, ung thư lưỡi là một bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị bằng các phương pháp y tế tiên tiến như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Đông y có thể đóng vai trò hỗ trợ, giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
11. Khám ung thư lưỡi ở đâu?
Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng miệng, lưỡi hoặc trường hợp có yếu tố nguy cơ, người bệnh nên đi khám và tầm soát ung thư lưỡi tại cơ sở y tế chuyên khoa Ung bướu, Tai mũi họng các bệnh viện như: Bệnh viện K, BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội, BV Ung bướu Hà Nội, BV Ung bướu TPHCM…
12. Chi phí khám và điều trị ung thư lưỡi
Chi phí khám, điều trị ung thư lưỡi có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ bệnh, việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các phương pháp điều trị… Giai đoạn ung thư càng tiến triển thì chi phí điều trị càng cao.
Người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa uy tín để khám và được tư vấn cụ thể. Trong trường hợp có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả theo đúng quy định.
Xem thêm: