Một chiếc bụng khỏe mạnh (bụng cười) mang lại một sức khỏe tràn đầy, từ đó giúp mỗi người tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn (đời tươi).
Từ năm 2004, vào Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá Thế giới 29/5 hàng năm, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) khởi xướng chiến dịch y tế công cộng trên toàn thế giới nhằm truyền thông kiến thức đến công chúng về việc phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa. Từ năm 2022, hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá Thế giới 29/5, Báo Sức khoẻ và Đời sống đồng hành cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức phát động chương trình truyền thông thường niên nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ tiêu hóa của cộng đồng, giúp cộng đồng có nhận thức đúng về ý nghĩa của hệ tiêu hoá đối với sức khoẻ, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh tự nhiên, từ đó giúp tăng cường sức khoẻ tổng thể.
Chủ đề của Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá Thế giới 2024 là Ưu tiên hàng đầu cho sức khoẻ tiêu hoá. Theo đó, ưu tiên sức khoẻ tiêu hóa được nhận định là điều tối quan trọng để tăng cường sức khoẻ tổng thể và chất lượng cuộc sống. Hệ thống tiêu hóa đóng vai trò tiêu hóa, hấp thu và cung cấp các dưỡng chất qua trọng, cần thiết cho mọi quá trình sống cũng như duy trì phát triển các chức năng của các hệ cơ quan và tăng cường sức khoẻ tối ưu. Bằng cách ưu tiên sức khoẻ tiêu hóa, chúng ta có thể chủ động quản lý sức khoẻ của mình, giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiêu hóa và các vấn đề sức khoẻ liên quan, để có một sức khoẻ tổng thể tốt, một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc.
Cũng với ý nghĩa đó, chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Tiêu hóa Thế giới 2024 do Báo Sức khoẻ và Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đồng tổ chức mang đến thông điệp Khoẻ tiêu hóa – Bụng cười đời tươi. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chương trình được tổ chức với sự đồng hành truyền thông của Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk.
Thông điệp năm nay mang ý nghĩa khuyến khích người dân chủ động chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa bởi một hệ tiêu hóa khoẻ mạnh sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn, giúp cơ thể hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, từ đó xây dựng sức đề kháng khoẻ để phòng chống bệnh tật. Đó chính là tiền đề của cơ thể khoẻ mạnh. Để xây dựng nên sức khoẻ tổng thể vững vàng, bên cạnh sức đề kháng khoẻ, khả năng hấp thu tốt các chất dinh dưỡng của đường ruột còn giúp cơ thể đào thải độc tố tốt hơn, từ đó giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ, tinh thần vui tươi, phấn chấn. Như vậy có thể thấy, khoẻ tiêu hoá chính là chìa khoá đem đến khoẻ tổng thể.
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết: “Với việc tổ chức Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 2024, chủ đề Khỏe tiêu hóa – Bụng cười đời tươi, Báo Sức khoẻ và Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia mong muốn thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân trước thực trạng về các vấn đề tiêu hóa, dinh dưỡng tại Việt Nam và thế giới, hiểu rõ vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức đề kháng, sức khỏe tổng thể, và cách chăm sóc sức khỏe tiêu hóa, nâng cao sức khỏe cộng đồng, hướng tới cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà”.
Trong khuôn khổ chương trình truyền thông, tọa đàm Khoẻ tiêu hoá – Bụng cười đời tươi với những chia sẻ từ PGS.TS.Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, và BS. Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk, mang đến những thông tin hữu ích, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa của sức khoẻ tiêu hoá đối với sức khoẻ tổng thể, cũng như cách chăm sóc để có một hệ tiêu hóa khoẻ mạnh, từ đó giúp nâng cao thể trạng cho một cuộc sống năng động và vui tươi.
Theo PGS.TS.Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để có đường ruột khỏe mạnh thì vai trò của chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng đúng và đủ giúp chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, giúp phòng tránh bệnh tật. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giúp thúc đẩy một hệ vi sinh vật đường ruột có cấu trúc tốt, trong đó các loài vi sinh vật khác nhau cùng tồn tại trong một hệ thống kiểm soát và cân bằng. Bên cạnh đó, một trong những cách tốt nhất để tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột là ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tăng cường chất xơ và bổ sung thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đường ruột như thực phẩm giàu prebiotic, các thực phẩm lên men như: sữa chua, dưa cải bắp, kim chi…
Đồng quan điểm với PGS.TS.Trần Thanh Dương, BS. Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk khuyên mọi người nên sử dụng sữa chua đều đặn hàng ngày bởi sữa chua cũng như các chế phẩm sữa là thực phẩm tuyệt vời mà tự nhiên ban tặng vì các lý do: giàu dưỡng chất quí (4 nhóm chất thiết yếu); tỷ trọng các nhóm dưỡng chất cân đối và phù hợp với nhu cầu; tối ưu cho quá trình tiêu hóa, hấp thu, chuyển hóa và thải trừ. Việc sử dụng sữa chua hàng ngày sẽ tối ưu hóa các lợi điểm của sữa, quan trọng hơn, chúng còn hỗ trợ tăng cường phát triển hệ lợi khuẩn đường ruột, một thành tố quan trọng tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, miễn dịch và hỗ trợ đắc lực cho hệ trục não ruột, giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tâm tinh thần và sức khỏe tổng thể. Dùng sữa chua hàng ngày sẽ góp phần có hệ vi sinh đường ruột (probiotics) cân đối, khỏe mạnh, hiệp lực cùng với chất xơ tiêu hóa (prebiotics) từ khẩu phần sẽ tạo ra hiệu ứng synbiotics, giúp cộng hưởng lợi điểm của hai thành phần nêu trên, qua đó tối ưu các hiệu quả chăm sóc và nâng cao sức khoẻ tiêu hoá cũng như sức khoẻ tổng thể.
Chương trình truyền thông Hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá Thế giới năm 2024 không chỉ một lần nữa khẳng định mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ hệ tiêu hoá – phương pháp hiệu quả và đơn giản để tăng cường sức khoẻ tổng thể mà còn mong muốn giúp người dân ở mọi độ tuổi có thể hướng đến lối sống lành mạnh với một tâm thế hứng khởi để hạnh phúc hơn mỗi ngày.
An Lê