Mong xóa bỏ định kiến “chết không toàn thây”
Cách đây gần 2 tháng, vào ngày 31/3/2024, tai họa bất ngờ ập đến gia đình nhỏ của ông Dương Quang Đông, 72 tuổi và bà Nguyễn Thị Nhận, 62 tuổi ở tổ 4, khu 1, phường Trưng Vương, TP Uông Bí (Quảng Ninh) khi người con trai thứ 2 của gia đình gặp tai nạn giao thông.
Nhận tin báo, ông Đông chạy đến ngay hiện trường, bế con lên xe và đưa vào Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Nhìn con bất tỉnh, nhịp thở vẫn còn, ông Đông vừa đưa con vào viện, vừa giữ niềm hy vọng con mình sẽ cứu chữa được. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị đứt hết các dây thần kinh ở vùng cổ, chết não và không có khả năng hồi phục, nguy cơ tử vong gần như là điều chắc chắn.
Để tìm hiểu rõ hơn, ông Đông đã lấy kết quả lâm sàng, cận lâm sàng của con trai Dương Minh Đ., SN 1988 gửi lên nhờ người nhà công tác tại bệnh viện tuyến Trung ương kiểm tra giúp, xem có thể chuyển con lên Hà Nội cứu chữa hay mổ não. Song, mọi kết quả đều báo về như đánh giá, chẩn đoán của các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam –Thụy Điển Uông Bí.
Các bác sĩ tại bệnh viện đã đưa lời khuyên nếu hiến mô tạng thì phải thực hiện nhanh, nếu để sau 18 tiếng sẽ dẫn đến suy đa tạng, không thể thực hiện phẫu thuật lấy tạng cần thiết.
Trước tình huống trên, bà Nhẫn như rơi vào tuyệt vọng vì sự sống của đứa con trai khỏe mạnh, đa tài, vui vẻ và đầy sức xuân đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Nỗi lo sợ mất đứa con trai còn lại khiến bà Nhẫn ngã khuỵu bởi cách đây 20 năm (vào năm 2004), đứa con trai lớn của ông bà cũng đã mất vì tai nạn.
Bà Nhẫn đau lòng, kể: Lúc nghe tin con trai thứ 2 cơ hội sống mong manh, tôi hoảng sợ thực sự, gào khóc hoảng loạn. Khi không còn biết phải làm gì, tôi đến gần con rồi thổn thức, hỏi: Mẹ phải làm sao đây? Hãy nói cho mẹ biết, mẹ cần làm gì để giúp con?… Thế rồi, như một linh tính dẫn dắt, tôi chợt nhớ tới câu chuyện bé Hải An từng hiến 2 giác mạc trước khi qua đời để cứu người khác và liên tưởng tới con mình đang nằm đó. Tôi tin vào nghiệp duyên, nhân quả, luân hồi nên nói với chồng ý định hiến tạng của con cho y học, cứu người như phúc đẳng hà sa. Rất may, chồng tôi cũng nghĩ tới điều này và anh đồng ý.
Bà Nhẫn nghẹn giọng tâm sự: ‘Nằm trong hoàn cảnh mới thấu hiểu, để đưa ra quyết định này thực sự không đơn giản. Tôi hiểu, nếu mình hiến đa tạng con, giúp nối dài sự sống cho người khác thì cũng là làm phước, chưa kể còn được thấy hình bóng con hiện hữu trên đời qua sự sống người khác và để cái chết của con không còn là vô nghĩa’.
Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn liên viện và đánh giá 3 lần, tất cả đều khẳng định, tình trạng chết não của con tôi không thể hồi phục. Vì thế, tôi nghĩ, mình cần giúp người khác bằng hiến tạng con, trao cơ hội nối dài sự sống cho họ.
Ông Đông chia sẻ thêm: ‘Tôi hiểu và ủng hộ quyết định của vợ khi hiến đa tạng con trai chết não cho y học. Khi còn sống, cháu Đ. rất chăm rèn luyện thể thao, lối sống lành mạnh, tích cực và yêu văn nghệ, đàn hát. Khi biết sự sống của con không còn cơ hôi cứu vãn, tôi cũng nghĩ tới giúp con làm điều gì có ý nghĩa cho xã hội. Và khi vợ tôi đưa ra suy nghĩ hiến tạng con, tôi hoàn toàn nhất trí. Tôi biết, hành động này của vợ chồng tôi sẽ không tránh khỏi những lời bàn ra, nói vào, thậm chí còn nghĩ xấu về mình. Nhưng bỏ qua những rào cản đó, tôi cho rằng, mình làm điều này để giúp người khác, hẳn con trai sẽ ủng hộ vì “cho đi là còn mãi”.
“Có lẽ cháu cũng mong muốn cái chết của mình không là vô nghĩa nên kể từ khi hiến tạng con để cứu cho nhiều người khác, trong lòng tôi không thấy nặng nề hay bất an gì. Có lúc, tôi còn nghĩ con mình chưa mất mà đang đi làm, chỉ thi thoảng nhìn thấy trong cuộc sống sinh hoạt những thứ gần gũi với con, mới sực tỉnh là con đã mất’, bà Nhẫn trải lòng.
Theo lời bà Nhẫn, khi biết chuyện hiến đa tạng con trai của gia đình bà, rất đông bạn bè đã đến động viên, chia sẻ và bày tỏ cảm phục trước hành động đầy dũng cảm, sáng suốt và nhân văn của vợ chồng ông bà. Có người còn nói: “Bạn là người mẹ rất hiểu biết, tôi vô cùng tự hào về bạn. Bạn đã làm được những việc mà người mẹ khác không thể làm được”…, khiến tôi có thêm động lực vượt qua tâm lý.
Mong được thấy con qua sự sống người khác
Kể từ khi hiến tạng cho con, ông bà Đông-Nhẫn vẫn thường xuyên cập nhật tin tức sức khỏe của những bệnh nhân được ghép tạng từ nguồn đa tạng của con. Trong lòng ông bà Đông-Nhẫn luôn mong mỏi những người được nhận tạng từ con trai ông bà sẽ có sức khỏe thật tốt, lâu dài.
“Cũng may, nguồn tạng của con tôi đều tương thích với 7 bệnh nhân được ghép nên trong lòng cũng thấy được an ủi phần nào. Tôi chỉ mong ước, một dịp nào đó được gặp lại những bệnh nhân này để cảm nhận hình bóng con, đặc biệt được nghe nhịp đập trái tim con trai mình lần nữa.
Theo lời ông Đông, kể từ khi hiến tạng con đến nay, ông bà đã được gặp trực tiếp một bệnh nhi 11 tuổi (gần nhà) bị suy thận và đã được Bệnh viện Việt Đức ghép thận con trai mình. Rất may, quả thận của Đ. tương thích với cháu bé nên sức khỏe bệnh nhi 11 tuổi đã hồi phục rất nhanh.
Còn 4 trường hợp khác sau khi được chuyển sang phòng hậu phẫu cũng đã gửi thư cảm ơn gia đình và gửi lễ thắp hương cho Đ. Họ cũng hẹn có dịp xuất viện sẽ về thăm gia đình.
Trước đó, nhận quyết định hiến tạng từ gia đình nạn nhân, ngay trong rạng sáng ngày 2/4, 120 bác sĩ cùng nhân viên y tế của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí đã thực hiện ca phẫu thuật lấy đa tạng trong nhiều giờ đồng hồ từ bệnh nhân chết não Dương Minh Đ.
Xuyên đêm,, cuộc phẫu thuật lấy đa tạng gồm tim, hai quả thận, hai giác mạc và thuỳ gan trái, phải của bệnh nhân Đ. được hoàn tất, thành công và bảo quản, chuyển về Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghép cho 7 bệnh nhân khác đang cần nguồn tạng để ghép.
Với hành động nhân văn, ngày 19/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã truy tặng bằng khen cho anh Dương Minh Đ. vì đã có nghĩa cử cao đẹp trong việc hiến mô tạng để cứu chữa người bệnh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Tâm sự của người mẹ Quảng Ninh dũng cảm hiến đa tạng của con chết não cho y học