Trước đó, sản phụ H. được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng thai nhi 38 tuần, có tiền sử mổ lấy thai cách đây hơn 1 năm, đau bụng âm ỉ từ đêm hôm trước, sau đó đau tăng dần và thành từng cơn.
Sau khi nhập viện, sản phụ được thăm khám nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ phát hiện tại buồng trứng trái người bệnh có khối u kích thước 7×6 cm, kết hợp sản phụ mới mổ lấy thai lần 1 cách đây 14 tháng nên các bác sĩ đánh giá nguy cơ cao sản phụ bị nứt vết mổ trên tử cung. Trước tình thế nguy cấp, bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu cho chị H.
Quá trình mổ, kíp phẫu thuật nhận thấy vết mổ cũ của sản phụ đã nứt còn lớp phúc mạc tử cung. Sau khi lấy ra 1 bé trai nặng 3,4 kg hồng hào, các bác sĩ tiếp tục tiến hành cắt khối u buồng trứng trái và ca phẫu thuật cho sản phụ H. kéo dài một giờ đồng hồ. Hiện tại sức khỏe sản phụ đã ổn định và đang được theo dõi, chăm sóc tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Phụ sản.
Là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho sản phụ H., BSCKI Lê Thu Hoài – Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Phụ sản cho biết: “Cơ tử cung vị trí vết mổ ít đàn hồi hơn tổ chức cơ tử cung vị trí khác, cho nên dễ bị nứt khi có tác động mạnh. Bên cạnh đó thai nhi có kích thước lớn có thể gây ra áp lực quá mức tới vị trí tử cung tại vết mổ cũ làm rách theo vết mổ. Trong khi đó, vết mổ đẻ cũ dưới 24 tháng có nguy chưa lành hẳn dễ bị nứt, vỡ; tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thai chết lưu. Thậm chí nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến vỡ tử cung, nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ và thai nhi”.
Do đó, để đề phòng nguy cơ nứt vết mổ, vỡ tử cung, chị em phụ nữ thường xuyên đi khám phụ khoa và kiểm tra vết mổ trước khi chuẩn bị có thai; đồng thời thường xuyên khám thai tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản để phát hiện, xử trí kịp thời…
BSCKI Lê Thu Hoài – Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Phụ sản, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên khuyến cáo: Khoảng cách giữa hai lần sinh mổ trên 2 năm. Đây là khoảng thời gian hợp lý để vết mổ ở tử cung trong lần mổ trước bình phục và sức khỏe của người mẹ được đảm bảo trong lần mang thai kế tiếp. Đối với sản phụ có khối u buồng trứng cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên tránh trường hợp khối u to gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? | SKĐS