2 ngày, 2 vụ ngộ độc thực phẩm khiến vài trăm người nhập viện
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, thậm chí có ca tử vong.
Mới đây nhất, chiều tối hôm qua (15/5), tại Đồng Nai xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai nhập viện.
BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc TTYT huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho hay, theo lời của những công nhân trên, sau khi ăn bánh đa cua vào buổi chiều tại công ty thì xuất hiện các biểu hiện nôn, đau bụng.
Có khoảng 500 người ăn trong cùng buổi chiều, tuy nhiên, có gần 100 người xuất hiện các triệu chứng trên và nhập viện.
Trước đó 1 ngày, trưa 14/5, một vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sau bữa trưa, hơn 400 công nhân tại đây có biểu hiện đau bụng, buồn nôn được đưa vào viện. Suất ăn do công ty tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối.
Về vụ ngộ độc này, Bộ Y tế đã có 2 văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc về lĩnh vực an toàn thực phẩm và khám chữa bệnh để yêu cầu tập trung điều trị cho các trường hợp nghi ngộ độc và tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; Đồng thời, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Cùng đó Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác trong sáng 15/5 về Vĩnh Phúc làm việc liên quan đến vụ ngộ độc này.
Trước đó trong tuần đầu tháng 5 cũng liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ hơn 500 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì…
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành
Chia sẻ với báo chí về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về vấn đề an toàn thực phẩm, theo Nghị định 15 của Chính phủ có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó cũng phải kể đến ý thức của người dân thực hiện vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức.
Trong đó, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho cộng đồng.
Tiếp đến, các cấp các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố. Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vừa qua là ở quán bán thức ăn đường phố, gần đây nhất ở Vĩnh Phúc là xảy ra tại bếp ăn tập thể.
“Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế, các bộ ngành đã có chỉ đạo, tuy nhiên giờ chúng ta phải kiểm tra giám sát việc này để làm sao các cơ sở thực hiện cho tốt từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng. Mục đích cuối cùng là làm sao đưa thực phẩm sạch cho người dân sử dụng”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: “Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà các cấp các ngành đều phải vào cuộc vì nó liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hái, lưu thông trên thị trường và cuối cùng chế biến, sử dụng, liên quan rất nhiều lĩnh vực”.
“Ví dụ nuôi trồng liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thu hái, chế biến lưu thông trên thị trường là Bộ Công thương, vấn đề kiểm định cơ sở sản xuất chế biến có đảm bảo liên quan đến Bộ Y tế”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cơ bản nhất là truyền thông làm sao nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh. Vấn đề ý thức rất quan trọng.
“Nếu chúng ta triển khai đồng bộ 3 giải pháp thì vấn đề an toàn thực phẩm sẽ từng bước được cải thiện”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.
Vai trò của địa phương rất quan trọng
Thông tin thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục Quản lý An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, theo quy định hiện nay, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn uống dù lớn hay nhỏ đều phải đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Quy định pháp luật về phân cấp quản lý an toàn thực phẩm rất rõ ràng. Tùy từng địa phương sẽ có sự phân cấp quản lý.
Chủ yếu biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, thanh tra xử phạt, đưa thông tin vi phạm lên các phương tiện đại chúng từ cấp xã phường. Trong đó, tuyên truyền cho hai đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi, nhiều người dân dù nhìn thấy không đảm bảo an toàn nhưng vẫn sử dụng các loại thực phẩm này.
Hiện nay, việc kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ có hai hình thức là kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất.
Theo đó, với kiểm tra theo kế hoạch các địa phương sẽ lập kế hoạch ngay từ đầu năm. Trong trường hợp nếu cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện như vệ sinh không đảm bảo, rác thải bừa bãi… không đúng quy định về an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Ngoài ra, các địa phương có thể kiểm tra đột xuất theo phản ảnh, theo tháng cao điểm an toàn thực phẩm, hay theo ghi nhận thực tế. Nếu phát hiện sai phạm, các cơ sở sẽ bị xử phạt, đồng thời công khai vi phạm để người dân được biết.
“Hiện nay các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ban ngành về việc quản lý. Các đơn vị cần thực hiện trách nhiệm của mình từ khâu nguyên liệu, sử dụng phụ gia, phụ phẩm cho đến sản phẩm cuối cùng. Điều quan trọng là thực hiện việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và người dân.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa bàn phường xã thì lực lượng quản lý của địa phương phải nắm rõ nhất, phải đưa ra giải pháp để quản lý phù hợp với từng vùng, từng địa phương”- TS Hùng Long nói.