Chúng ta không cần phải thực hiện những điều to tát, lớn lao… chỉ cần thực hiện những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, có thể đem lại sự khác biệt cho sức khỏe, TS. Jesse Ehrenfeld, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) cho biết.
Dưới đây là các khuyến nghị của AMA để có một năm mới khỏe mạnh hơn bao gồm:
1. Tăng cường hoạt động thể chất
WHO định nghĩa hoạt động thể chất là bất kỳ chuyển động nào của cơ thể, được tạo ra bởi cơ xương, đòi hỏi tiêu hao năng lượng. Hoạt động thể chất đề cập đến tất cả các chuyển động bao gồm cả trong thời gian giải trí, di chuyển để đến và đi từ các địa điểm hoặc là một phần công việc hàng ngày. Cả hoạt động thể chất với cường độ vừa phải và mạnh mẽ đều cải thiện sức khỏe.
Các cách phổ biến để hoạt động tích cực bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, chơi thể thao, giải trí và vui chơi tích cực và có thể được thực hiện ở mọi cấp độ kỹ năng và để mọi người thích thú.
Hoạt động thể chất thường xuyên được chứng minh là giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. Nó cũng giúp ngăn ngừa tăng huyết áp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và cải thiện sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của một người.
Do đó, người lớn nên dành ít nhất 150 phút hoạt động với cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động mạnh mỗi tuần.
2. Ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết để có sức khỏe và dinh dưỡng tốt, giúp bảo vệ bạn chống lại nhiều bệnh mạn tính không lây nhiễm, chẳng hạn như bệnh tim, đái tháo đường và ung thư…
Tiêu thụ ít muối, đường cũng như chất béo chuyển hóa… là điều cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm:
- Các loại thực phẩm chủ yếu như ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, ngô hoặc gạo) hoặc các loại củ hoặc rễ có tinh bột (khoai tây, khoai mỡ, khoai môn hoặc sắn).
- Các loại đậu (đậu lăng và đậu).
- Trái cây và rau quả.
- Thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng và sữa)…
3. Cập nhất các thông tin về tiêm chủng
Hiện đã có sẵn vaccine để bảo vệ con người chống lại COVID-19, cúm và RSV trong mùa cúm và cảm lạnh mùa đông.
Đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình bạn đều có đủ tất cả các mũi tiêm được khuyến nghị.
4. Đi khám sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm nhiều tình trạng và bệnh tật như đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư…; đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của một cá nhân và xác định các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Như vậy, việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị tốt hơn các bệnh mạn tính, đồng thời cải thiện tâm trạng của bệnh nhân.
5. Biết chỉ số huyết áp của mình
Biết được chỉ số huyết áp sẽ giúp phòng ngừa nhiều tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Nếu huyết áp cao cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ (khi cần thiết). Kiểm soát huyết áp cao có thể làm giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Những khuyến nghị dưới đây có thể giúp bạn duy trì huyết áp khỏe mạnh:
- Giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Tuân thủ chế độ ăn thường xuyên gồm trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo.
- Cắt giảm lượng natri nạp vào.
- Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ nhanh, chạy hoặc bơi… ít nhất 90 đến 150 phút mỗi tuần.
- Giữ lượng rượu uống không quá một đến hai ly mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ…
6. Sử dụng thuốc theo toa (khi cần) một cách an toàn
Làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc theo toa, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Không uống hết đợt kháng sinh có thể góp phần tạo ra vi khuẩn kháng kháng sinh. Đồng thời bảo quản thuốc giảm đau opioid được kê đơn một cách an toàn, dùng theo chỉ dẫn và vứt bỏ đúng cách bất kỳ viên thuốc còn sót lại nào.
Đối với những người mắc các bệnh mạn tính cần phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí đến hết cả cuộc đời, cần dùng thuốc đều đặn, hàng ngày, giống như cơm ăn nước uống. Không được tự ý bỏ thuốc khi triệu chứng thuyên giảm (vì sự thuyên giảm này là do dùng thuốc). Nếu bỏ thuốc sẽ nguy hiểm cho người bệnh.
7. Biết cách quản lý căng thẳng
Căng thẳng có thể gây ra tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần kém. Nó có thể ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống cơ thể và tâm trạng của bạn. Theo thời gian, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe.
Quản lý căng thẳng có thể giúp bạn:
- Ngủ tốt hơn
- Kiểm soát cân nặng của bạn
- Có tâm trạng tốt hơn…
Học cách quản lý căng thẳng có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, sức khỏe tinh thần, giấc ngủ… và sống khỏe mạnh hơn.
Mời bạn xem thêm video:
Vì sao người cao tuổi nên đi bộ, chạy bộ thường xuyên? | SKĐS