1. Táo bón có nguy hiểm không?
- 1. Táo bón có nguy hiểm không?
- 2. Ai dễ bị táo bón?
- 3. Có phải lười ăn chất xơ sẽ bị táo bón?
- 4. Dấu hiệu nhận biết bệnh táo bón
- 5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
- 6. Người bệnh cần làm các xét nghiệm gì?
- 7. Đông y có chữa được táo bón không?
- 8. Các phương pháp điều trị táo bón hiện nay
- 9. Tại sao khi bị táo bón nên uống nhiều nước?
- 10. Táo bón có phòng ngừa được không?
Táo bón nếu ở mức độ nhẹ, không thường xuyên thì không nguy hiểm nhưng nếu táo bón kéo dài không được điều trị có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây ra các thương tổn vùng hậu môn – trực tràng, tích tụ những chất độc hại gây biến chứng toàn thân, tiềm ẩn những nguy hiểm về sức khỏe.
Táo bón là nguyên nhân quan trọng gây là nhiều bệnh lý vùng hậu môn – trực tràng như: nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng, thậm chí ung thư trực tràng.
2. Ai dễ bị táo bón?
Ai cũng có nguy cơ mắc táo bón. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc táo bón tăng theo tuổi với 30-40% của những người trên 65 tuổi.
Nguyên nhân khiến người lớn tuổi dễ bị táo bón là do chế độ ăn uống kém và uống không đủ nước, ít tập thể dục, do tác dụng phụ của các loại thuốc, thói quen đi cầu kém.
Đối với phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, việc sản xuất nội tiết tố estrogen và progesterone suy giảm gây ra những thay đổi dẫn đến táo bón. Một số phụ nữ sẽ bị đau nhiều hơn ở các khớp và lưng, điều này có thể hạn chế khả năng vận động, cản trở việc vận động thường xuyên. Tập thể dục giúp điều hòa tiêu hóa nên sự gián đoạn này cũng có thể góp phần gây ra táo bón.
Ngoài ra những người có thói quen ít vận động, ngồi nhiều, ăn uống không điều độ, ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia… cũng dễ bị táo bón.
3. Có phải lười ăn chất xơ sẽ bị táo bón?
Chất xơ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe tiêu hóa. Chất xơ là nhiên liệu mà các tế bào ruột kết sử dụng để giữ cho chúng khỏe mạnh. Chất xơ thúc đẩy hoạt động đường tiêu hóa được lưu thông bằng cách giữ cho nhu động ruột hoạt động trơn tru và đều đặn.Việc thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân phổ biến phát sinh bệnh táo bón.
Vì vậy, khi bị táo bón cần phải tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt…
Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt Nam ít nhất là 20- 25g/người/ngày. Trong chế độ ăn hằng ngày, chúng ta nên ăn đa dạng các thực phẩm có đủ hai loại chất xơ hòa tan và không hòa tan để tốt cho sức khỏe và phòng ngừa táo bón.
Với những người mới tập ăn chất xơ nên tăng từ từ để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Khi ăn các món có chất xơ thì cần uống nhiều nước/chất lỏng hơn để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng.
4. Dấu hiệu nhận biết bệnh táo bón
Các triệu chứng táo bón ở mỗi đối tượng, độ tuổi có thể khác nhau nhưng thường có các đặc điểm chung là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, khô, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng. Cụ thể:
- Ở người lớn: Thường quá 3 ngày không thể đại tiện, bụng chướng, rặn nhưng không đại tiện được hoặc rất khó để tống phân ra ngoài, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn.
- Ở trẻ em: Trẻ không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do rặn quá mức.
- Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: Khoảng 5-7 ngày không đi đại tiện, phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy. Trẻ quấy khóc, ăn kém, bú kém, ngủ không ngon giấc do đau bụng, chướng bụng.
5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Khi có các triệu chứng táo bón như: Đại tiện ít hơn 3 lần trong 1 tuần; Phải gắng sức rặn mạnh khi đại tiện, thời gian đại tiện kéo dài. Phân cứng hoặc thành cục như bi; Cảm giác đại tiện xong vẫn không hết phân; Thậm chí phải dùng tay lấy phân ra, dùng thuốc thụt, thuốc nhuận tràng… người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được khám phát hiện sớm các bệnh lý nguyên phát có thể gây táo bón (do u, do viêm…).
Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng, tiền sử bệnh và kết quả khám, xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
6. Người bệnh cần làm các xét nghiệm gì?
Theo các chuyên gia tiêu hóa, có nhiều nguyên nhân gây táo bón, ngoài nguyên nhân do thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống không hợp lý thì táo bón còn do nguyên nhân chậm lưu thông đại tràng; do rối loạn chức năng vùng hậu môn – trực tràng; là hậu quả của một bệnh lý khác như: khối u đại trực tràng, bệnh lý viêm gây hẹp đại trực tràng, bệnh phình đại trực tràng bẩm sinh… Những trường hợp này cần được chẩn đoán và xử lý nguyên nhân bệnh mới khỏi được.
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, người bệnh cần được hỏi bệnh và thăm khám tỉ mỉ kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên khoa như: Nội soi đại trực tràng loại trừ u cục (nếu cần); Đo thời gian lưu thông đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng, đo đánh giá cảm giác trực tràng; Chụp cộng hưởng từ sàn chậu; Xét nghiệm máu… Kết quả tùy từng trường hợp hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
7. Đông y có chữa được táo bón không?
Theo quan niệm của Đông y, nguyên nhân gây táo bón là do tỳ vị (cơ quan tiêu hóa) hư yếu; do huyết hư, khí hư, tâm nhiệt, thực nhiệt… Tùy từng thể bệnh, một số bài thuốc Đông y có thể giúp cải thiện triệu chứng táo bón, tăng cường nhu động ruột và làm mềm phân. Tuy nhiên, cần lưu ý đây chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị. Để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám chuyên khoa và làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp.
8. Các phương pháp điều trị táo bón hiện nay
Hiện nay có nhiều phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị táo bón đem lại kết quả điều trị tốt, ổn định cho người bệnh.
Một số phương pháp điều trị táo bón hiện đại là: Điều trị táo bón bằng sóng giao thoa giúp tăng nhu động đại tràng một cách sinh lý: điều trị táo bón do chậm lưu thông đại tràng. Kích thích điện hậu môn – trực tràng: điều trị táo bón do giảm cảm giác trực tràng. Tập phản hồi sinh học: điều trị táo bón do rối loạn phản xạ hậu môn – trực tràng.
Đối với táo bón chức năng (dạng táo bón thường gặp nhất, chiếm khoảng 50% các trường hợp táo bón). Nguyên nhân chính là do: chế độ ăn không hợp lý (thiếu nước, thiếu chất xơ…), ít vận động, mất phản xạ đại tiện (do thường xuyên nhịn đại tiện), stress tâm lý…
Phương pháp điều trị táo bón chức năng bao gồm: Có chế độ ăn phù hợp cân đối, cung cấp đủ nước. Vận động thường xuyên. Tập thói quen đại tiện hàng ngày theo một khung giờ nhất định. Loại bỏ các đồ ăn, thuốc, yếu tố tâm lý có thể gây táo bón.
9. Tại sao khi bị táo bón nên uống nhiều nước?
Thứ nhất, do mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta cần nước để hoạt động tốt nhất. Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ bị thiếu nước, mất nước. Thiếu nước dẫn đến phân cứng và táo bón. Do đó, uống đủ nước là cách quan trọng giúp phòng ngừa và điều trị táo bón. Nước làm cho nhu động ruột mềm hơn, dễ dàng đi ngoài hơn.
Thứ hai, vì chất xơ hấp thụ nước từ ruột nên bạn cần uống đủ nước để giúp cơ thể tiêu hóa chất xơ, giảm táo bón bằng cách tăng khối lượng phân. Vì vậy, người bệnh táo bón cần uống đủ nước nếu không chất xơ có thể gây tác dụng ngược và gây táo bón.
Đối với người trưởng thành khỏe mạnh bình thường cần uống 8 ly nước (khoảng 2 lít nước) mỗi ngày để bảo đảm đủ nước cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt khi ăn chất xơ.
10. Táo bón có phòng ngừa được không?
Để phòng bệnh táo bón, chúng ta nên thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây tươi. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Không lạm dụng rượu, cà phê, trà đặc…
- Uống đủ nước, một người trưởng thành cần uống trung bình 2l nước/ngày.
- Thường xuyên vận động, rèn luyện thể lực. Mỗi ngày cần vận động thể lực với cường độ tối thiểu phải tương đương 30 phút đi bộ. Không nên ngồi nhiều.
- Không nên nhịn đại tiện. Tập thói quen đại tiện hàng ngày vào một khung giờ nhất định.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không lạm dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón.
Xem thêm: