Ngày 8/5, BS.CKI Cao Hoàng Thiện, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết đội cấp cứu ngoại viện đến nhà bệnh nhân, nhận định bà bị đột quỵ cấp trong giờ đầu (tính từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện). Bà méo miệng, không nói được, liệt nửa người bên phải.
Trong lúc thu thập những thông tin cần thiết về bệnh nhân như bệnh sử, quá trình điều trị, dị ứng… đội cấp cứu đồng thời báo về bệnh viện khởi động sẵn quy trình Code Stroke để đón bệnh nhân, rút ngắn thời gian cấp cứu.
Quy trình Code Stroke dành riêng cho cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, kết nối các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh…, mở lối đi riêng, ưu tiên thiết bị, máy móc sẵn sàng chụp chiếu, xét nghiệm ngay lập tức cho người bệnh. “Đây là mấu chốt giúp bệnh nhân được điều trị nhanh, hạn chế di chứng và phục hồi sớm sau đột quỵ”, bác sĩ Thiện nói.
Nhờ gia đình người bệnh phát hiện và phản ứng nhanh, báo cấp cứu kịp thời, bà Thư không bị tổn thương não trầm trọng. ThS.BS Phan Thị Ngọc Lời, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết khi được đưa đến bệnh viện, điểm NISHH của bà Thư ở mức khá cao 17 điểm. NIHSS dùng để đánh giá mức độ lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp. Trong thang điểm 24, bệnh nhân có điểm số càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng. Kết quả chụp CT 768 lát cắt sọ não của bà cho thấy động mạch não giữa bên trái có dấu tăng đậm độ, loại trừ khả năng đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu não bị vỡ).
Hội chẩn nhanh, các bác sĩ xác định bà Thư bị đột quỵ nhồi máu não cấp do mạch máu não tắc nghẽn. Bà được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp CT, giúp tái thông mạch máu não sớm, giảm tối đa tổn thương não.
Ngay sau khi được truyền thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân cải thiện rõ rệt triệu chứng, tứ chi đều cử động được, hết liệt nửa người. Điểm NIHSS giảm xuống còn 7 điểm.
Kết quả chụp CTA loại trừ nguy cơ tắc mạch máu lớn trong não. Bác sĩ quyết định không cần can thiệp nội mạch vì không xảy ra huyết khối lớn. Bà tiếp tục được theo dõi sinh hiệu theo quy trình điều trị thuốc tiêu sợi huyết.
Một ngày sau, bệnh nhân hồi phục gần như bình thường, có thể đi đứng, vận động nhẹ, ngôn ngữ và nói chuyện linh hoạt, miệng hết méo, không xuất huyết, các chỉ số sinh hiệu đều ở mức ổn định. NISHH của bà chỉ còn ở mức một điểm. Bà được bác sĩ tầm soát đầy đủ yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tái phát đột quỵ và có chỉ định phù hợp. 4 ngày sau, bà hồi phục sức khỏe tốt, xuất viện.
Bác sĩ Lời khuyến cáo khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ, người nhà hoặc người xung quanh nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ sớm nhất có thể. Nếu giao thông thuận tiện, không xảy ra kẹt xe, người bệnh đột quỵ nên được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu chuyên dụng nhằm giảm nguy cơ tổn thương não nghiêm trọng hơn trong quá trình di chuyển.
Gia đình có thể gọi đến tổng đài cấp cứu 115 hoặc gọi thẳng vào tổng đài của bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ gần nhất. Khi nhận được thông tin, bệnh viện nhanh chóng cử đội chuyên trách đến tận nhà đưa đi cấp cứu.
Trường hợp giao thông không thuận tiện, nguy cơ xe cứu thương đến chậm, gia đình chủ động đưa người bệnh đến bệnh viện. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh chở người bệnh dằn, xóc mạnh, dễ dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng hơn. Nên chở người đột quỵ bằng ôtô, đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu cao 30-45 độ.
Trường Giang – Diệu Minh
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi