Bánh trứng kiến lạ từ tên gọi đến hương vị và không phải ai cũng ăn được loại bánh này. Có người sau khi ăn bánh trứng kiến sẽ dị ứng, nổi mề đay khắp cơ thể, sưng môi, sưng mắt…
Được biết, bánh trứng kiến là đặc sản ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang… Đây là một món ăn không thể thiếu trong nhiều dịp lễ quan trọng của người Tày.
Chị Triệu Thị Son (42 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, hiện đang lập nghiệp ở Hà Nội chia sẻ, chị rất yêu thích và am hiểu các món ăn của vùng núi. Vài năm trở lại đây cứ khoảng thời gian sau Tết, chị lại mở bán món bánh trứng kiến đặc sản của quê hương mình.
Theo chị Son, món bánh trứng kiến thu hút người dân thành phố bởi lạ từ cái tên cho đến hương vị, khiến nhiều người muốn mua ăn thử.
Bánh trứng kiến có phần nhân là bằng trứng kiến, thịt lợn…, vỏ bánh làm bằng gạo nếp. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, chị Son cũng lưu ý, cũng có nhiều người đã bị dị ứng với bánh trứng kiến và xuất hiện nổi mề đay, sưng mặt…
Thực tế ghi nhận, đã có nhiều trường hợp sau khi ăn bánh trứng kiến phải nhập viện cấp cứu và điều trị vì có biểu hiện dị ứng.
Gần đây nhất là bệnh nhân 32 tuổi nhập BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí với tình trạng mẩn đỏ, chóng mặt do dị ứng trứng kiến. Các bác sĩ đã cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ, tiêm thuốc để ổn định mạch, huyết áp, sau đó chuyển người bệnh sang Khoa Hồi sức Tích cực theo dõi.
Trước đó các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng tiếp nhận bệnh nhân 21 tuổi, trú tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng da sẩn ngứa, nổi mẩn đỏ thành từng mảng, sưng nề quanh mắt do ăn trứng kiến.
Bệnh nhân cho biết, trong bữa ăn tối có món trứng kiến. Sau ăn khoảng 2 tiếng, bệnh nhân xuất nổi mẩn đỏ trên da thành đám, mảng rải rác toàn thân, ngứa nhiều kèm theo sưng nề đỏ vùng mặt và quanh mắt được đưa dến bệnh viện tỉnh để khám và điều trị. Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm được các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dị ứng do ăn trứng kiến.
Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trứng kiến thực chất là loại ấu trùng nhỏ giống như trứng ong, nhộng tằm nên có giá trị dinh dưỡng cao. Đây còn được coi là món đặc sản của người dân tộc miền núi.
Mặc dù vậy, công dụng của trứng kiến cho đến hiện nay chỉ mang tính dân gian, truyền miệng nên người dân khi sử dụng cần hết sức lưu ý.
Lý giải về nguyên nhân khiến trứng kiến trở thành món ăn gây dị ứng, chuyên gia cho rằng do trong quá trình làm tổ, kiến tiết độc tố để bảo vệ con non. Một lý do khác là do người dùng có cơ địa dị ứng với thành phần cụ thể trong trứng kiến nên khi ăn dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
“Hiện nay chưa có nghiên cứu nào để khẳng định về tính độc hại của trứng kiến. Tuy nhiên, đây là loài động vật hoang dã khi làm tổ chúng hay tiết ra độc tố để bảo vệ con non theo nguyên tắc bảo tồn động vật. Do đó, axit có trong kiến thì cũng có thể có trong trứng. Người sử dụng không loại trừ khả năng ăn phải độc tố này dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, người có cơ địa dị ứng rất dễ bị ngộ độc. Như nhiều người bị dị ứng tôm, trứng, đậu phộng…, cứ ăn vào là nổi mẩn đỏ, nóng rát mặt mày… Đó cũng là một dạng phản ứng của cơ thể khi bị dị ứng. Chính vì vậy người có cơ địa dị ứng thì cũng có khả năng cao bị dị ứng với trứng kiến”, chuyên gia cho hay.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo người dân không nên ăn các đồ ăn lạ hoặc tiếp xúc với các chất lạ. Trước khi ăn cần tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng. Nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu sau khi ăn hoặc tiếp xúc cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.