Khám phá hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng của bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn

1. Bánh xèo tôm nhảy thu hút thực khách

Mỗi lần đến với thành phố biển Quy Nhơn, hầu hết các du khách đều thích thưởng thức món đặc sản – bánh xèo tôm nhảy.

Theo cô chủ quán bánh xèo tôm nhảy Rau mầm, cái tên gọi “bánh xèo tôm nhảy” đơn giản bắt nguồn từ những con tôm tươi nhảy tanh tách vừa được gỡ từ lưới và chính cái tên này lại thu hút được thực khách hiếu kỳ, tò mò.

Khám phá hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng của bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn- Ảnh 1.

Bánh xèo tôm nhảy.

Bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn không giống như bánh xèo miền Tây hay bánh xèo xứ Huế và nhiều địa phương khác. Với nguyên liệu tươi ngon và cách chế biến riêng, bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn mang đến hương vị riêng. Bánh xèo tôm nhảy được làm từ hai nguyên liệu chính đặc trưng của vùng đất Bình Định là bột bánh được xay từ loại gạo ở chính đất Bình Định và tôm phải là loại tôm đất sống ở vùng nước lợ đầm Thị Nại, không giống với những loại tôm biển, tôm đất có thân tròn, chắc và mùi tanh ít hơn rất nhiều. Thân tôm mang màu hồng và khá mỏng vỏ, kích thước chỉ bằng ngón tay út. Con tôm đất tuy nhỏ nhưng nhiều giá trị dinh dưỡng.

Cô chủ quán bánh xèo Rau mầm chia sẻ, cách làm bánh xèo tôm nhảy không quá cầu kỳ, bánh muốn thơm ngon thì cách pha bột là khâu quan trọng, bột gạo hòa quyện với bột bắp và nước cốt dừa để làm nên độ xốp giòn là bí quyết hòa bột bánh của từng quán. Tôm đất phải là tôm còn nhảy tanh tách, chọn lựa từ những con tôm to đều nhau, vỏ mỏng trong suốt, được rửa sạch sẽ, cắt bỏ râu, đầu.

Bánh được tráng mỏng trên khuôn chảo nhỏ rồi xếp tôm vào, cho thêm giá, hành chẻ nhỏ. Đậy vung một lúc rồi xếp ra đĩa. Một chiếc bánh ngon, đạt yêu cầu là khi nhìn bằng mắt phải là chiếc bánh vàng, giòn rụm, thơm của vỏ bánh, tôm hồng, rau giá và hành chín tới, không bị nát. Bánh xèo được ăn cùng với rau sống mùa nào thức nấy như rau cải, rau mầm, rau giá, xoài thái sợi, dưa leo (dưa chuột)… chấm cùng nước chấm đặc trưng được pha chế từ loại nước mắm thơm, ngon cũng do người Bình Định làm. Bánh xèo còn được cuốn với bánh tráng gạo nguyên chất.

2. Bánh xèo có tốt cho sức khỏe không?

Trên thực tế, bánh xèo được làm ra với rất nhiều kích cỡ khác nhau kèm theo đó nguyên liệu nhân khác nhau tùy theo các chế biến của từng vùng miền.

Thành phần dinh dưỡng của bánh xèo:

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng, cứ trong 100g bánh xèo thì sẽ có chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:

  • Chất béo: 4.9g
  • Cholesterol: 23mg
  • Sodium: 99mg
  • Potassium: 145mg
  • Carbohydrate: 18mg
  • Protein: 6.2g

Thành phần dinh dưỡng trong 100g tôm đất:

  • Calo: 90 kcal
  • Protein: 18.4 g
  • Canxi: 1000 mcg
  • Kali: 316 mg
  • Sắt: 2.2 mg
  • Nước: 74.7 g
  • Chất béo: 1.8 g
  • Cholesterol: 200 mg
  • Phốt pho: 150 mg
  • Natri: 418 mg
  • Vitamin PP: 3.2 g
  • Vitamin A: 15 mcg

Ngoài ra, bánh xèo cũng hay được ăn kèm cùng các loại rau, do đó, loại bánh này cũng giúp bổ sung một số dinh dưỡng tốt khác từ rau xà lách và các loại rau thơm như: chất xơ, vitamin E, vitamin C và khoáng chất.

Bánh xèo có bao nhiêu calo?

Theo tính toán từ các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình cứ trong 100g bánh xèo với đầy đủ nguyên liệu thì sẽ cung cấp khoảng 140 calo.

Với bánh xèo chỉ có vỏ, không nhân cỡ vừa, hàm lượng calo sẽ thấp hơn so với bánh xèo đầy đủ. Hàm lượng calo trung bình được tính trong mỗi chiếc bánh xèo này là khoảng 120 calo.

Lợi ích sức khỏe của bánh xèo

Khám phá hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng của bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn- Ảnh 3.

Bánh xèo có nhiều giá trị dinh dưỡng.

Giàu dinh dưỡng: Bánh xèo chứa nhiều protein từ thịt, tôm, và các loại đậu, cung cấp vitamin và khoáng chất từ rau củ, chất xơ từ giá đỗ, rau cải, rau mầm… và omega-3 từ dầu ăn.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Chất béo tốt trong dầu thực vật và omega-3 giúp giảm cholesterol xấu, tốt cho tim mạch.

Tăng cường hệ miễn dịch: Vitamin C và E trong rau củ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ từ giá đỗ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, dù bánh xèo là món ăn thơm ngon, hấp dẫn nhưng cũng không nên ăn quá nhiều bánh xèo cùng một lúc vì bánh xèo được chiên trong dầu nên chứa nhiều calo, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi tuần tốt nhất chỉ nên ăn bánh xèo một lần. Trong 1 bữa, không nên ăn quá 2 chiếc bánh xèo, ăn nhiều có thể dẫn đến tăng cân. Hoặc một số nhà hàng sử dụng dầu/ mỡ không đảm bảo để chiên bánh xèo, chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Nếu nguyên liệu không được đảm bảo vệ sinh hoặc chế biến không đúng cách, bánh xèo có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Để ăn bánh xèo đúng cách và tốt cho sức khỏe, nên tự làm bánh xèo tại nhà thay vì ăn tại hàng để được đảm bảo về chất lượng cũng như kiểm soát lượng calo có trong bánh tốt hơn. Kết hợp ăn bánh xèo cùng chế độ ăn giàu rau xanh và trái cây.

Đối với các mẹ bầu cần hạn chế ăn bánh xèo vì dầu mỡ có trong bánh xèo sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém, ăn nhiều dễ tăng cân béo phì. Ngoài ra tinh bột, dầu mỡ có trong bánh xèo cũng không tốt với người bị đái tháo đường.

Bánh xèo là món ăn ngon và có thể tốt cho sức khỏe nếu ăn uống điều độ và lựa chọn nguyên liệu phù hợp.

3. Công thức làm bánh xèo tôm nhảy đơn giản tại nhà

Nguyên liệu:

  • 200g bột gạo
  • 100g bột bắp
  • 200ml nước cốt dừa
  • 200ml nước lọc
  • 1 muỗng cà phê muối
  • 1/2 muỗng cà phê đường
  • 200g tôm
  • 100g giá đỗ
  • 100g rau cải
  • 100g xà lách
  • 1 củ hành tây
  • 1 củ hành tím
  • 1 muỗng canh dầu ăn
  • Nước mắm
  • Ớt
  • Chanh

Cách làm:

  • Cho bột gạo, bột bắp, nước cốt dừa, nước lọc, muối và đường vào tô lớn, khuấy đều cho đến khi hỗn hợp mịn và không bị vón cục.
  • Ướp tôm với một ít muối và tiêu trong 10 phút.
  • Rửa sạch giá đỗ, rau cải con và xà lách, để ráo nước.
  • Băm nhỏ hành tây và hành tím.
  • Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tây và hành tím băm.
  • Cho tôm vào chảo, xào chín.
  • Cho hỗn hợp bột vào chảo, dàn đều thành một lớp mỏng.
  • Khi bánh xèo bắt đầu vàng giòn, cho giá đỗ, hành tây, hành lá lên trên.
  • Gấp bánh xèo lại thành hình bán nguyệt.
  • Chiên bánh xèo thêm vài phút cho đến khi chín vàng đều hai mặt.
  • Pha nước mắm với chanh, ớt và đường theo khẩu vị.
  • Ăn bánh xèo nóng với rau sống và nước mắm chua ngọt.

Lưu ý:

  • Nên sử dụng chảo chống dính để chiên bánh xèo sẽ dễ dàng hơn.
  • Khi chiên bánh xèo nên để lửa vừa để bánh chín đều và không bị cháy.
  • Có thể thêm các loại rau củ khác vào bánh xèo theo sở thích.

Bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng, món ăn bình dị gần gũi mà tinh tế mà thực khách không nên bỏ lỡ khi đến Quy Nhơn. Bánh xèo tôm nhảy Bình Định được chọn lựa là một trong 100 món ăn độc đáo nhất trong kho tàng ẩm thực vô cùng phong phú của Việt Nam.

Những quán bánh xèo tôm nhảy ở Quy Nhơn, Bình Định đã chứng tỏ rằng hương vị độc đáo và đậm đà của món ăn này vẫn là một điểm đến đặc sắc không thể thiếu trong hành trình du lịch tại thành phố biển xinh đẹp này.

Món bánh giầy đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ăn thế nào để tốt cho sức khỏe?Món bánh giầy đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ăn thế nào để tốt cho sức khỏe?

SKĐS – Bánh giầy là loại bánh trong truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy từ đời vua Hùng thứ 6. Bánh giầy tượng trưng cho Trời có hình tròn, trắng muốt được làm từ nếp giã nhuyễn hay quết nhuyễn, dẻo và thơm. Loại bánh này trở thành một món ăn phổ biến nhưng ăn có tốt cho sức khỏe không?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vua Đầu bếp Christine Hà chia sẻ về quê hương Việt Nam, ẩm thực Việt và mẹ-người có ảnh hưởng lớn tới chị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *