Người tham gia sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi nào?
Trước băn khoăn của bạn đọc về việc “nếu mình đi khám ở 1 bệnh viện khác rồi đem đơn thuốc đó đến bệnh viện có đăng ký BHYT thì có được chi trả không?”, BHXH Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật BHYT, người tham gia sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi:
- Đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu trên thẻ BHYT;
- Xuất trình đầy đủ thủ tục (thẻ BHYT cùng giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh);
- Thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định (nếu có).
Khi đó, người tham gia sẽ được bác sĩ có chuyên môn chỉ định thực hiện khám, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cần thiết để chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị (với các thuốc trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT sẽ được Bệnh viện cấp sau khi hoàn thành quy trình khám bệnh).
Như vậy, người tham gia không thể tự đi khám sau đó mang đơn thuốc được kê đến nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu để được cấp thuốc theo chế độ BHYT.
Tuy nhiên, trường hợp người tham gia được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, kê đơn thuốc điều trị sau đó được chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại trạm y tế xã.
Ví dụ như thuốc điều trị HIV, Lao, một số thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường… theo nội dung tại cột ghi chú Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế về ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT thì được quỹ BHYT chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của Bạn.
Phì đại tuyến vú ở nam giới có được BHYT hỗ trợ chi phí phẫu thuật không?
Bạn đọc cũng quan tâm phì đại tuyến vú ở nam giới có được BHYT hỗ trợ chi phí phẫu thuật không? BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay, Luật BHYT quy định các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT:
- Chi phí trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước chi trả;
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng;
- Khám sức khỏe;
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị;
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ;
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ;
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi;
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng;
- Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
- Khám chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác;
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Theo BHXH Việt Nam như vậy, nếu bệnh của người tham gia BHYT không thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên thì vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đến đúng nơi đăng ký ban đầu trên thẻ để khám chữa bệnh, xuất trình đầy đủ thủ tục, thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định (nếu có).
Khi đó, đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc….phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh nằm trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT thì người tham gia sẽ được hưởng theo mức hưởng trên thẻ BHYT.
Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2009 là 58% dân số, tới năm 2023 tỷ lệ bao phủ đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Tính tới ngày 31/12/2023, có 174,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.